Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Về việc cấp hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng

Chủ nhật, 07-06-2017 | 09:37:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Về việc cấp hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng

Tình trạng: Phản hồi chưa đầy đủ

Đơn vị kiến nghị: Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN

Công văn: 0874/PTM-VP, Ngày: 20/04/2017

Nội dung kiến nghị:

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Dự án) là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì huy động vốn đầu tư, giao Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm tại Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Về công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, trong khi Nhà nước vẫn chưa cấp kinh phí, VIDIFI đã vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đáp ứng cho các địa phương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Hiện nay, tuyên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đi vào vận hành, khai thác toàn tuyến trên 01 năm. Dự án đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán quyết toán dự án, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chính thức nghiệm thu và đánh giá chất lượng tốt. Đến nay, lưu lượng xe tham gia trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bình quân là 30-40 nghìn lượt xe/ngày đêm, chiếm trên 60% tổng lưu lượng trên tuyến giao thông đường bộ Hà Nôi - Hải Phòng. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long dự kiến hoàn thành trong năm 2017 sẽ phát huy hiệu quả, tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Để thu hồi vốn đầu tư, đối với Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó, phần hỗ trợ cần trực tiếp của Nhà nước đối với dự án là khoảng 23% tổng mức đầu tư, bao gồm:

Nhà nước cấp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho Dự án (theo số liệu cập nhật hiện nay là khoảng 4.069 tỷ đồng), giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ theo quy định;

Chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án với khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ ngành thực hiện các thủ tục chuyển đổi. Đối với khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức, giao Bộ Tài chính xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp với quy định của Luật quản lý nợ công và các quy định pháp luật liên quan.

VIDIFI đã tích cực làm việc, báo cáo Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải về việc hỗ trợ theo Quyết định 746/QĐ-TTg nêu trên, tuy nhiên, đến nay, các khoản hỗ trợ Nhà nước đối với Dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg vẫn chưa được thực hiện, cụ thể:

Ngày 23/7/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5092/BKHĐT-KCHTĐT đề nghị đưa phần hỗ trợ vào “kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải theo đúng quy định của Luật đầu tư công”

Sau đó, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến tại văn bản 10493/BGTVT-KHĐT ngày 11/8/2015 “nguồn vốn ngân sách Nhà nước dự kiến giao Bộ Giao thông vận tải trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất hạn chế, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đưa Dự án vào danh mục công trình được bố trí nguồn kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (như một kế hoạch độc lập, không đưa vào kế hoạch trung hạn của Bộ Giao thông vận tải)”.

Căn cứ ý kiến của các Bộ, tại văn bản số 7052/VPCP-KTTH ngày 8/9/2015, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải để hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án”.

Tuy nhiên, đến nay, khoản hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án (khoảng 4.069 tỷ đồng) vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP, Nghị định 108/2009/NĐ-CP thì đối với các dự án quan trọng, Nhà nước phải bố trí vốn ngân sách để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án; đối với Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà đầu tư chưa được Nhà nước cấp vốn tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng mà đã phải bỏ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng trên 8 năm và hiện đã phải trả lãi vay với lãi suất 10%/năm.


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính

Công văn: 6117/BTC-CST, Ngày: 11/05/2017

Nội dung trả lời:

Tại Quyết định số 746/QĐ-TTG ngày 29/5/2016 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án (khoảng 3.699 tỷ đồng). Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để hỗ trợ theo quy định.”.

Tuy nhiên hiện nay, trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải (tại văn bản số 3384/BGTVT-KHĐT ngày 31/3/2017 về việc thực hiện công điện số 2247/CĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chưa tổng hợp khoản kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nêu trên.

Tại công văn số 4928/BTC-ĐT ngày 14/4/2017 về việc tham gia ý kiến về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã có ý kiến: Thực tế phân bổ vốn của Bộ, ngành, địa phương cho các dự án chuyển tiếp là 164.965 tỷ đồng (mới đảm bảo được 61% nhu cầu); trong đó có nhiều dự án quan trọng đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa được bố trí đủ vốn, trong đó có kinh phí hỗ trợ GPMB cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khoảng 3.699 tỷ đồng.

Từ tình hình trên, đề nghị Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm việc với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét khả năng bố trí khoản kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết đinh.

Ý kiến bạn đọc (0)