Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Tổng giám đốc Thiên Long chia sẻ lý do từ bỏ nhiều vụ M&A trong năm qua

Thứ tư, 24-04-2024 | 11:41:00 AM GMT+7 Bản in
Theo bà Trần Phương Nga - Tổng giám đốc TLG, tập đoàn đã phải "cắt" nhiều dự định M&A đã theo đuổi trong thời gian dài sau khi trải qua giai đoạn Covid-19. Những công ty mà TLG nhắm tới cho hoạt động M&A rất lung lay trong sóng gió, nhiều rủi ro và khó khăn tiềm tàng bộc lộ sau dịch Covid-19.

ĐHCĐ Thiên Long

“Cắt” nhiều dự định M&A sau dịch Covid

ĐHCĐ thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) đã diễn ra vào sáng nay (23/4) tại TP. HCM. Tại đại hội, bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc trong phần báo cáo đã xin lỗi cổ đông và HĐQT vì TLG không hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2023. Theo bà, TLG có thể hoàn thành kế hoạch của năm 2023 nhưng cái giá để đánh đối là quá lớn.

“Chúng tôi không muốn dồn toàn bộ hệ thống phân phối và đặt áp lực lên toàn bộ cán bộ công nhân viên và các kênh bán hàng, các nhà phân phối phải ôm hàng tồn kho. Do đó, chúng tôi chấp nhận không hoàn thành mục tiêu đề ra để đạt được kết quả bền vững trong tương lai”, bà Trần Phương Nga cho biết.

Trong năm 2023, TLG duy trì được lượng tiền và tương đương tiền khoảng 700 tỷ đồng. Tổng giám đốc TLG cho biết công ty quyết định giữ lại phần tiền này một cách lành mạnh, không chạy theo trào lưu tham gia các hoạt động đầu tư có thể đem lại rủi ro cho cổ đông.

Cũng trong năm 2023, TLG đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Pega Holdings – một đơn vị có hoạt động kinh doanh chính là sách, báo và tạp chí, từ 25% lên 40%. Đây là một trong những hoạt động M&A hiếm hoi của TLG trong năm 2023. Theo bà Trần Phương Nga, TLG đã phải “cắt” nhiều dự định M&A đã theo đuổi trong thời gian dài sau khi trải qua giai đoạn Covid-19.

“Giữa cơn gió ngược sau dịch Covid-19, các công ty mà chúng tôi nhắm tới cho hoạt động M&A rất lung lay trong sóng gió, nhiều rủi ro và khó khăn tiềm tàng bộc lộ”, Tổng giám đốc TLG cho biết.

Theo bà, TLG đang theo đuổi mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng đến năm 2027, tuy nhiên sẽ không theo đuổi bằng mọi giá mà có thể dời lại để đảm bảo sự bền vững cho tập đoàn.

“Cơ hội luôn luôn có. Chúng ta có thể không đạt được cam kết 10.000 tỷ đồng, nhưng phải luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Con đường sắp tới sẽ rất khó khăn để đạt được những thành quả trong quá khứ”, bà Trần Phương Nga cho biết.

Riêng năm 2024, TLG lên kế hoạch doanh thu mục tiêu 3.800 tỷ đồng, bao gồm doanh thu từ xuất khẩu là 1.000 tỷ đồng, doanh thu từ thị trường nội địa là 2.800 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo TLG cho biết, đứng trước trăn trở về thị trường nội địa, phản hồi của nhà phân phối, của các nhân viên bán hàng, việc đề ra kế hoạch cao hơn sẽ phải đánh đổi bằng khó khăn, vất vả và chi phí cao cho TLG và đội ngũ nhân viên.

Về mục tiêu lợi nhuận 380 tỷ đồng, Tổng giám đốc TLG đánh giá đây cũng là kế hoạch rất thách thức đối với hãng bút bi này.

Quý II sẽ bùng nổ doanh số

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I, bà Trần Phương Nga cho biết doanh thu ước tính giảm 12% so với cùng kỳ, đạt khoảng 800 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng giảm tương ứng 12%. Kết quả tháng 4 cũng chưa khởi sắc vì các nhà phân phối vẫn khá thận trọng trong việc nhập hàng do các điểm bán vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, bà Nga cho biết TLG đặt kế hoạch sẽ bùng nổ doanh số trong tháng 5 và tháng 6 sắp tới. Cả quý II, TLG đặt mục tiêu doanh số thị trường nội địa cao kỷ lục, 1.000 tỷ đồng tương đương gấp đôi quý I. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến đi ngang so với cùng kỳ.

Về chi phí nguyên vật liệu, năm 2024 gặp áp lực tỷ giá do đó giá nhập nhựa đầu vào của TLG tăng so với cùng kỳ. Tập đoàn dự kiến phải điều chỉnh giá bán, nhưng không phải đối với các sản phẩm hiện hữu vì sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ trên thị trường.

“Trong thời gian gần đây, thị trường xuất hiện trào lưu cạnh tranh rất lớn về mặt sản phẩm. Các kênh bán hàng đều xuất hiện rất nhiều sản phẩm đến từ Trung Quốc, rất sáng tạo và đa dạng”, Chủ tịch Cô Gia Thọ cho biết.

Theo ông, TLG đã đầu tư nhiều và lâu vào R&D, tự sản xuất và nguyên vật liệu cần thiết để tăng chất lượng sản phẩm. Sản phẩm văn phòng phẩm hiện giờ phải đi theo các trào lưu mới, phải có màu sắc tươi sáng, mang tính cá nhân cao.

Được biết, năm 2023, TLG đã dồn lực để trẻ hoá sản phẩm, thay đổi theo nhu cầu mới của người dùng. Tất cả chương trình marketing sản phẩm đều được chuyển qua kênh social. TLG đã đầu tư cho kênh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, đạt được mức tăng trưởng gấp đôi năm 2022.

Kênh bán hàng này dù chưa mang lại hiệu quả trong hiện tại cho TLG, mức độ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận chưa quá lớn nhưng lại xu hướng bán hàng trong tương lai.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)