Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Quy định về trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc

Thứ bẩy, 01-07-2017 | 23:02:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Bà Hoàng Thị Thọ, sinh năm 1972, làm việc tại Công ty CP Vinafor Vinh (Nghệ An) từ năm 1994. Công ty do Nhà nước nắm giữ 63,21% tổng số cổ phần. Hiện bà làm phụ trách kế toán tại Xí nghiệp Gỗ Bến Thủy (đơn vị thành viên của Công ty).

Ngày 1/8/2016, với lý do Công ty tạm ngừng hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp Gỗ Bến Thủy cho đến khi tìm được đơn hàng mới, Công ty đã ra thông báo cho bà Thọ nghỉ việc tạm thời và phải tự đóng 21,5% BHXH.

Bà Thọ đã gửi đơn đề nghị Công ty sắp xếp công việc khác phù hợp, tuy nhiên Công ty lại bố trí cho bà làm nhân viên bảo vệ tại Xí nghiệp Bến Thủy. Công việc không phù hợp với trình độ đào tạo, sức khỏe và giới tính, nên bà Thọ có yêu cầu Công ty bố trí công việc khác.

Hiện nay Công ty vẫn chưa sắp xếp được việc làm cho bà và thông báo kể từ ngày 1/1/2017, hàng tháng bà phải đóng nộp mức 32,5% vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Nếu không đóng kịp thời Công ty sẽ tính lãi chậm nộp theo quy định của BHXH.

Bà Thọ hỏi, Công ty yêu cầu bà đóng  BHXH như vậy có đúng không? Nếu Công ty cơ cấu lại, hoặc không tìm được đơn hàng, dẫn đến mất việc làm, cho bà thôi việc thì Công ty phải thanh toán chế độ cho bà như thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Theo Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là khi doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; hoặc gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa. Dẫn đến việc doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.

Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hết thời hạn tạm dừng đóng (nêu trên), người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng.

Nếu sự việc đúng như bà Hoàng Thị Thọ phản ánh, do chưa tìm được đơn hàng mới nên Xí nghiệp Gỗ Bến Thủy (đơn vị thành viên của Công ty Vinafor Vinh) nơi bà Thọ làm việc, đã phải tạm dừng sản xuất kinh doanh. Trong thời gian nghỉ chờ việc từ ngày 1/8/2016 đến ngày 1/1/2017 Công ty có yêu cầu bà Thọ phải đóng BHXH với mức 22% và từ ngày 1/1/2017 phải đóng toàn bộ BHXH cho cả Công ty và bà Thọ với mức 32,5%, nếu không đóng nộp còn phải tính lãi chậm đóng là không đúng với quy định tại Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Các khoản trợ cấp khi nghỉ việc

Theo Điều 13 và Khoản 2, Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, trường hợp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà ảnh hưởng đến việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm, phải cho thôi việc từ 2 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động như sau:

Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia BHTN theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

- Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: Thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật BHXH; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1, Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

- Thời gian người lao động đã tham gia BHTN bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng BHTN theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN theo quy định của pháp luật.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Về thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản: Theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc chi trả trợ cấp mất việc làm thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản (kể cả thời gian làm việc tại khu vực Nhà nước được tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản trước ngày 1/1/1995 khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động).

Như vậy, trong trường hợp Công ty Vinafor Vinh không thể bố trí được việc làm mới phù hợp, mà phải cho bà Hoàng Thị Thọ thôi việc, thì Công ty có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho bà Thọ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động, được hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH, bao gồm: Trợ cấp thôi việc tính từ khi bà Thọ vào Công ty Nhà nước làm việc (năm 1994) đến khi Công ty hoàn thành việc cổ phần hóa (mức hưởng tính theo Điều 48 Bộ luật Lao động, mỗi năm bằng ½ tháng tiền lương); cộng với trợ cấp mất việc làm tính từ thời điểm Công ty chuyển thành Công ty cổ phần đến khi bà Thọ thôi việc, trừ đi thời gian tham gia BHTN (mức hưởng tính theo Điều 49 Bộ luật Lao động, mỗi năm bằng 1 tháng tiền lương).

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động với bà Thọ, Công ty có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm cho bà. Trường hợp Công ty có khó khăn kinh tế thì thời hạn thanh toán có thể kéo dài, nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

          Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo báo chính phủ

Ý kiến bạn đọc (0)