Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 10/2014/TT-BTC về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.

Thứ bẩy, 18-11-2016 | 10:30:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 10/2014/TT-BTC về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty Honda Việt Nam (Phúc Yên - Vĩnh Phúc)

Công văn: , Ngày: 14/11/2016

Nội dung kiến nghị:

Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 10/2014/TT-BTC về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.

Liên quan đến quy định tại Khoản 10 Điều 1 Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 1 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt hành chính về hóa đơn:

 “2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này).

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Trường hợp người mua sử dụng hóa đơn của người bán hàng đang trong thời gian thực hiện biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì xử phạt người mua theo quy định tại khoản này. Trường hợp người mua chứng minh việc mua bán hàng hóa là có thật, đã thanh toán tiền mua hàng theo đúng quy định thì người mua không bị phạt tiền nhưng không được kê khai, khấu trừ đối với hóa đơn này. Trường hợp cơ quan thuế thông báo chấm dứt việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng khi người bán nộp đủ số tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì người mua hàng được sử dụng hóa đơn để kê khai, khấu trừ, tính vào chi phí theo quy định”.

Công ty Honda Việt Nam kiến nghị sửa đổi quy định trên như sau:

“Trường hợp người mua sử dụng hóa đơn của người bán hàng đang trong thời gian thực hiện biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì xử phạt người mua theo quy định tại khoản này. Trường hợp người mua chứng minh việc mua bán hàng hóa là có thật, đã thanh toán tiền mua hàng theo đúng quy định thì người mua không bị phạt tiền và được kê khai, khấu trừ đối với hóa đơn này. Trường hợp cơ quan thuế thông báo chấm dứt việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng khi người bán nộp đủ số tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì người mua hàng được sử dụng hóa đơn để kê khai, khấu trừ, tính vào chi phí theo quy định.”

Theo Công ty Honda Việt Nam, lý do cần sửa đổi quy định như nội dung trên là vì hiện nay các thông tin về “hóa đơn bị áp dụng biện pháp cưỡng chế không còn giá trị sử dụng” được các Cục Thuế thông báo riêng rẽ trong từng tháng trên website của Tổng cục Thuế hoặc các Cục Thuế địa phương. Trong khi đó, với quy mô hoạt động lớn, Công ty Honda Việt Nam có nhiều giao dịch với nhiều bên bán hàng ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Do vậy, trong trường hợp tham gia giao dịch với vai trò là người mua, Công ty Honda Việt Nam không thể tra cứu được toàn bộ thông tin hóa đơn đầu vào có đúng là hóa đơn của người bán đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Nếu áp dụng quy định như Dự thảo, Công ty có thể bị xử phạt nếu vô ý sử dụng hóa đơn không còn giá trị sử dụng và ngay cả trong trường hợp chứng minh được việc mua bán hàng hóa là có thật, việc thanh toán là phù hợp với các quy định hiện hành thì Công ty vẫn không được kê khai, khấu trừ đối với những hóa đơn này. Công ty cho rằng quy định như vậy sẽ không chỉ khó khăn cho Công ty mà còn khó khăn tương tự cho nhiều doanh nghiệp khác. Công ty kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh quy định phù hợp hơn với thực tiễn, qua đó giúp tạo thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh.


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)