Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Doanh nghiệp chủ động phòng ngừa và “sống chung” với COVID-19

Thứ bẩy, 04-09-2021 | 14:26:00 PM GMT+7 Bản in
Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, chuyển từ “phòng chống” dịch COVID-19 sang các giải pháp phòng ngừa và “sống chung” với dịch bệnh.

Cần sự chỉ đạo thống nhất để đảm bảo chuỗi cung ứng

Nhìn lại quá trình chống dịch của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WorldBank) nhận định: “Sau khi có kết quả xuất sắc về kiểm soát dịch COVID-19 và đạt được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thuộc hàng cao nhất trên thế giới, ở mức 2,9% năm 2020, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc 5,6% trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch” với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ - nhận định, 3 đợt dịch đầu, khủng hoảng chủ yếu đến từ nguồn cung từ các quốc gia khác do chuỗi sản xuất toàn cầu đứt gãy. Tuy nhiên, khủng hoảng dịch bệnh lần thứ 4 lại tác động nặng nề lên toàn miền Nam, 19 tỉnh/thành tê liệt hoàn toàn.

Trong đó, Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi tập trung chuỗi sản xuất chế biến thực phẩm của cả nước.

Ông Nguyễn Phương Lam cho biết: “Khó khăn của các doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long là 13 tỉnh là 13 chỉ đạo, quy định khác nhau. Trong khi đó, chuỗi sản xuất là từ cánh đồng, đến nhà máy, đến thị trường không chỉ nằm ở 1 địa phương”.

Theo ông Lam, sự không đồng nhất trên khiến các doanh nghiệp đặc biệt khó khăn trong logistics, vận tải.

Giám đốc VCCI Cần Thơ cũng cho hay, việc ưu tiên vaccine cho người lao động chưa được nhiều địa phương chú trọng; việc hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp còn chậm; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động đã được Chính phủ ban hành nhưng thực tế triển khai chưa đồng nhất và không thông suốt.

Để tồn tại trong giai đoạn này, doanh nghiệp rất cần những hỗ trợ kịp thời và đồng nhất.

Nhiều doanh nghiệp tìm cách “sống chung” với dịch

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế của quốc gia có sự tương quan chặt chẽ với cường độ của biện pháp hạn chế đi lại cũng như tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân.

Phân tích gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, cứ thêm mỗi tháng cách ly, sản lượng công nghiệp trung bình có thể giảm gần 10%.

Theo Báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu tháng 6.2021 do WorldBank công bố, các quốc gia nằm trong nhóm có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất (được đo bằng tỉ lệ phần trăm người dân được tiêm ít nhất một mũi trong nửa đầu năm 2021) có thể tăng trưởng bình quân 4,8% trong năm 2021, còn những quốc gia ở nhóm có tỉ lệ tiêm vaccine thấp nhất sẽ chỉ tăng trưởng bình quân 2,5%.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã điều chỉnh chiến lược kiểm soát đại dịch bằng cách nỗ lực triển khai thực hiện chương trình tiêm chủng diện rộng thông qua việc mua các loại vaccine khác nhau (trong đó có Cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu - Covax) kết hợp với sản xuất vaccine thông qua đàm phán thỏa thuận với các công ty quốc tế hoặc các quốc gia khác. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh quá trình tự phát triển và sản xuất vaccine.

Cùng với những thay đổi trong chiến lược chống dịch của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng chủ động tìm cách sống chung với đại dịch.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - cho biết, nhiều hiệp hội doanh nghiệp như Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (Hawa) chủ động giải bài toán sống chung với COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp thành viên của Hawa đã tìm cách xây dựng y tế tại chỗ. Trong đó, doanh nghiệp đảm nhận vai trò tầng 1 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí xét nghiệm, ban hành cơ chế phối hợp cụ thể giữa y tế địa phương và doanh nghiệp…

Hiện, một thành viên của Hawa đã áp dụng mô hình y tế tại chỗ này như Tekcom mua máy thở ôxy dự phòng, thiết lập ngay một khu chăm sóc y tế riêng, chuyên trách kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý.

 

Trong bối cảnh y tế địa phương đang quá tải, Tekcom được đội ngũ chuyên trách hướng dẫn để giữ lại các ca nhiễm nhẹ, không triệu chứng và điều trị tại xưởng theo phác đồ chính thức của Bộ Y tế. 

Theo MINH AN(Báo Lao động)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)