VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 01/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpTham tán Thương mại chỉ ra tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan

Tham tán Thương mại chỉ ra tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan

10:49:00 AM GMT+7Thứ 3, 29/04/2025

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chỉ ra tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan.

Ông Đỗ Ngọc Hưng- Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN 

Chiều 28/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề: "Vai trò của hệ thống xúc tiến thương mại và thương vụ trong bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu”.

Tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, thương mại hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã và đang gặp phải những thách thức liên quan đến vấn đề thuế quan. Tuy nhiên, trong thách thức vẫn còn cơ hội, nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Hoa Kỳ như Walmart, Target, Costco, HomeDepot... vẫn lạc quan, thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng phía Việt Nam sẽ đạt được thoả thuận với Hoa Kỳ, thông qua gỡ bỏ mức thuế đối ứng.

“Doanh nghiệp, tập đoàn phân phối hàng đầu của Hoa Kỳ đang cân nhắc tham dự sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Vietnam International Sourcing & Diễn đàn xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh 2025 diễn ra vào tháng 9/2025, do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, thực hiện”, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin và cho biết, có nhiều tín hiệu tích cực trong vấn đề đàm phán thuế quan hai nước.

Để thúc đẩy hợp tác giao thương cũng như tăng cường cơ hội hợp tác, ông Đỗ Ngọc Hưng kiến nghị phía Việt Nam cần tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong quan hệ song phương giữa hai nước, từ công nghiệp đến thương mại, đầu tư, năng lượng, trí tuệ nhân tạo...

Ngoài ra, Việt Nam cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Cùng với đó, kích thích nhu cầu nội địa thông qua các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/ TTXVN 

Mặt khác, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước. Từ đó, củng cố xuất khẩu thông qua đầu tư vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp quan trọng mang tính hỗ trợ, nền tảng, nâng cấp công nghệ, khuyến khích đổi mới, đơn giản hoá  quy định kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường khả năng phục hồi và đa dạng hoá chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô và hàng hoá trung gian tập trung một thị trường. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong nước sẽ góp phần nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế trước cú sốc bên ngoài.

Liên quan đến phòng vệ thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, do các quốc gia bị áp thuế có thể tăng cường biện pháp bảo hộ thương mại, gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc hợp tác đầy đủ với phía Hoa Kỳ trong quá trình cung cấp thông tin cho vụ kiện thương mại cũng là điều quan trọng để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và tránh rủi ro pháp lý.

“Dự kiến ngay đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp lớn tham dự diễn đàn “Select USA Investment Summit” tại Hoa Kỳ – một trong những sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng nhất trong năm. Đoàn Việt Nam là một trong những đoàn có quy mô lớn nhất trong số các nước tham dự, thể hiện cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương bền vững và hiệu quả”, ông Đỗ Ngọc Hưng cho hay.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại tại Canada cho rằng, cơ hội cho sản phẩm Việt tại thị trường Canada vẫn rất tốt, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vẫn đang tăng trưởng khả quan.

Nhìn chung xuất khẩu của Việt Nam theo số liệu sở tại, đến nay chưa bị ảnh hưởng và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến tranh thuế quan. Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt có giá trị kim ngạch cao vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt, giúp đảm bảo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn năm 2025 nhiều khả năng vẫn có thể đạt mức của năm 2024 và tiếp tục giữ mục tiêu 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế của sở tại và biện pháp đối phó của sở tại với thuế quan nói chung cũng như chính sách bảo hộ trong nước của Canada.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, trong nguy có cơ, đây chính là thời điểm để các nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ, trung gian thương mại của hai nước không chỉ dịch chuyển chuỗi cung ứng, mà còn dịch chuyển cả chuỗi sản xuất/đầu tư/công nghệ/thương hiệu và phát triển những nền tảng hạ tầng logistics/vận tải mới, kiến tạo hệ sinh thái CPTPP.

Để hỗ trợ thiết thực và có cơ sở cho quyết định chuyển dịch của doanh nghiệp và hiệp hội về dài hạn, bà Trần Thu Quỳnh kiến nghị cần có sự tham gia vào cuộc và phối hợp hỗ trợ thông tin của nhiều cơ quan. Hiện tại, Thương vụ Việt Nam tại Canada đang nỗ lực tháo gỡ rào cản thương mại; trong đó, có việc vận động ký kết thoả thuận song phương về đơn giản hoá nguyên tắc xuất xứ cho mặt hàng dệt may; vận động mở cửa thị trường thịt trứng sữa, đặc biệt là sản phẩm thịt chế biến của Việt Nam.

Liên quan tới khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, xuất khẩu Việt Nam sang Australia tăng 13,2% trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 1,6 tỷ USD, nhiều ngành xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng tốt.

Xuất khẩu sang Australia có nhiều lợi thế do quan hệ song phương đang tốt đẹp. Chính sách thuế quan ưu đãi từ FTA mà Việt Nam và Australia đều là thành viên như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZ), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam và châu Á ở Australia rất lớn.

Thế nhưng, do căng thẳng thương mại trên thế giới nên sức mua của thị trường giảm, giá cả tăng lên, đồng AUD mất giá nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đáng lưu ý, hàng hóa Việt Nam chắc chắn sẽ gặp cạnh tranh lớn với hàng hoá Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Chưa kể nếu Australia giảm thuế cho hàng hoá của Hoa Kỳ, nông sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nông sản của Hoa Kỳ.

Đại diện các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng tập trung thảo luận việc chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đã khiến thị trường thế giới biến động, nhưng thách thức luôn đi liền với cơ hội.

Do đó, doanh nghiệp cần cải thiện năng lực sản xuất để có thể xuất khẩu bền vững tới thị trường đang có; đồng thời tăng cường tiếp cận thị trường mới. Các thương vụ sẽ nắm bắt thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng và chính sách mới của nước sở tại để cung cấp tới doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới và thâm nhập thị trường toàn cầu, thị trường tiềm năng.

Chia sẻ về khó khăn của ngành, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ rõ, dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Nếu không thể đàm phán được mức thuế hợp lý, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm của hơn 3,4 triệu lao động.

“Doanh nghiệp đang dồn sức hoàn thành đơn hàng trong 90 ngày Hoa Kỳ hoãn thuế nhưng doanh nghiệp rất cần thông tin mới nhất để đánh giá tình hình thị trường để quyết định có nên tiếp tục ký kết đơn hàng hay không. Với các thị trường khác, ngành dệt may cũng cần thông tin cụ thể về khả năng đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là Nga, Brazil, Chile, Trung Đông…”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Hoa Kỳ. Trong 90 ngày hoãn thuế của Hoa Kỳ, doanh nghiệp đang chạy đua sản xuất.

Dù tin tưởng vào giải pháp ứng phó của cơ quan chức năng nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều lo ngại. Bởi, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể làm cho thủy sản xuất khẩu của Trung Quốc dư thừa buộc phải bán ra trong nước. Điều này sẽ khiến sức cầu với thủy sản Việt Nam giảm xuống, tác động mạnh tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới thị trường này. Vì vậy, cơ quan chức năng, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần hỗ trợ ngành khơi thông thị trường tiềm năng để doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường.

TheoUyên Hương/BNEWS/TTXVN (bnews.vn)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global