Thứ 5, 01/05/2025 | English | Vietnamese
11:36:00 AM GMT+7Thứ 4, 30/04/2025
Mặc dù sản lượng tiêu thụ trên sàn tăng gần 51%, hơn 165.000 cửa hàng đã "biến mất" trong một năm, phản ánh sự khắc nghiệt ngày càng lớn của thị trường thương mại điện tử. Các chủ shop nhỏ đang rút lui vì chi phí cao và cạnh tranh gay gắt.
Năm 2024, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của Metric, doanh thu từ năm sàn lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm ngoái. Tổng lượng hàng hóa tiêu thụ vượt 3,42 tỷ sản phẩm, tăng 50,76%.
Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng này lại là một thực tế đáng lo ngại: số lượng cửa hàng có phát sinh đơn hàng giảm mạnh 20,25%, tương đương với việc hơn 165.000 shop đã rời khỏi sàn trong vòng một năm, trung bình mỗi tuần có gần 3.200 gian hàng đóng cửa. Làn sóng rút lui chủ yếu đến từ các nhà bán nhỏ lẻ, thiếu chiến lược rõ ràng, đồng thời các sàn lớn như Shopee còn đón thêm hàng chục nghìn nhà bán nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt cho các cửa hàng nội địa.
Anh Hải (28 tuổi), chủ shop phụ kiện công nghệ tại Hà Nội mở gian hàng online vào năm 2019, lúc đó phí nền tảng rất hợp lý và doanh thu ổn định. Nhưng năm nay, tình hình bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt.
"Shopee đã thu hút một lượng lớn nhà bán hàng nước ngoài, làm tăng sự cạnh tranh vô cùng gay gắt. Hơn nữa, các khoản phí như quảng cáo, chiết khấu cho sàn, phí vận chuyển... đang ăn vào gần hết lợi nhuận của tôi. Ban đầu tôi nghĩ việc chạy quảng cáo sẽ giúp bán được hàng, nhưng càng làm lại càng cảm thấy mệt mỏi, chi phí cứ tăng lên mà không có sự hỗ trợ rõ ràng từ sàn. Nếu không nhanh chóng thay đổi chiến lược, tôi có thể sẽ phải đóng cửa gian hàng trong thời gian sắp tới," anh chia sẻ.
Chị Lan (32 tuổi), chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm trang trí nhà cửa thủ công tại Hà Nội, bắt đầu hành trình bán hàng online từ năm 2017 qua các kênh mạng xã hội. Khi thương mại điện tử phát triển mạnh vào năm 2020, chị quyết định mở rộng thị trường và tạo dựng gian hàng trên Shopee để tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Mới đầu, mọi thứ diễn ra khá thuận lợi, chi phí nền tảng thấp, đơn hàng đều đặn và doanh thu tăng trưởng rõ rệt. “Khi mới bắt đầu, phí dịch vụ chỉ từ 3-5%, khiến mọi thứ trở nên rất dễ chịu,” chị Lan chia sẻ.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, sự thay đổi trong chi phí vận hành trên sàn TMĐT khiến chị gặp không ít khó khăn. Chiết khấu đơn hàng đã tăng lên từ 10% đến 15%, ngoài ra, chị còn phải đối mặt với hàng loạt các khoản phí như phí quảng cáo nội sàn, đóng gói, hoàn đơn... Điều này khiến tỷ lệ lợi nhuận của chị bị thu hẹp đáng kể. “Với một bộ tranh tường bán giá 500.000 đồng, tôi phải trả cho sàn gần 80.000 đồng. Thêm các chi phí khác, lãi suất còn lại không đáng kể,” chị Lan cho biết.
Trước áp lực chi phí ngày càng gia tăng, chị đã quyết định rút bớt nguồn vốn khỏi sàn TMĐT và quay lại phát triển kênh bán hàng qua mạng xã hội, nơi không phải gánh chịu quá nhiều khoản phí như trên các sàn. "Trước đây, tôi có thể bán hàng ổn định với vài chục đơn mỗi ngày, nhưng giờ gian hàng trên Shopee chỉ còn lác đác vài đơn mỗi tuần. Tôi đã nghĩ đến việc đóng gian hàng vì không còn đủ sức chịu đựng," chị tâm sự.
Trước sức ép từ chi phí ngày càng phình to, một số chủ shop buộc phải điều chỉnh giá bán để giữ vững biên lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm không phải là lựa chọn dễ dàng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm về giá.
Việc nhiều nhà bán hàng phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng không phải là trường hợp cá biệt. Một số chủ shop nhỏ lẻ, đặc biệt là những người không đủ nguồn lực để chạy quảng cáo hoặc đầu tư vào thương hiệu, đang đối mặt với bài toán lợi nhuận bế tắc. Hàng trăm nghìn chủ shop đã đóng cửa gian hàng trên các sàn TMĐT.
Theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu Metric.vn, thị trường TMĐT Việt Nam đang phân hóa rõ nét khi các nhà bán lớn mở rộng quy mô, trong khi phần lớn shop nhỏ lẻ dần rời bỏ thị trường. Quý I/2024 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số lượng shop có phát sinh đơn hàng, giảm hơn 38.000 shop so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số lượng shop đạt doanh thu cao lại tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhóm shop có doanh số trên 50 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Metric cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng đang ngày càng nghiêng về mô hình gian hàng chính hãng (Shop Mall), tạo động lực tăng trưởng trọng yếu cho các sàn TMĐT. Mặc dù chỉ chiếm 3% tổng số shop, các Shop Mall lại đóng góp gần 27% doanh số trên Shopee và TikTok Shop. Tăng trưởng doanh số của nhóm này phản ánh tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe, đề cao sự an tâm khi mua sắm.
Thực tế làn sóng nhà bán hàng rời sàn đã xuất hiện trong hơn một năm qua và ngày càng gia tăng. Năm ngoái, báo cáo toàn cảnh của Metric cho thấy số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng trên các sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam đã thu hẹp 20%, với 165.000 gian hàng đóng cửa. Mức suy giảm này đồng nghĩa với việc gần 3.200 gian hàng đóng cửa mỗi tuần.
Các chuyên gia nhận định, thị trường giờ không còn chỗ cho ai bán kiểu thử nghiệm hay bán cho vui. Muốn tồn tại, bắt buộc phải có chiến lược rõ ràng và vận hành chuyên nghiệp. Nhiều nhà bán chưa tính đúng giá vốn, không biết cách xác định mức giá lời hợp lý, hoặc chỉ chạy theo đối thủ mà không có chiến lược bền vững, dẫn đến tình trạng bán càng nhiều càng lỗ.
Ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), Chủ tịch NextTech, cảnh báo rằng thị trường TMĐT sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn, với các chính sách siết chặt người bán như ở Trung Quốc. Ông cũng dự báo xu hướng "tách sàn", tức là giảm phụ thuộc vào các nền tảng TMĐT lớn, chuyển sang xây dựng kênh bán hàng riêng như website, mini app trên Zalo hoặc các hệ thống bán hàng độc lập, đang bắt đầu hình thành tại Việt Nam.
“Việc sở hữu tệp khách hàng riêng là con đường sống sót lâu dài của người bán”, ông Bình khẳng định.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global