VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 29/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpCủng cố chuỗi cung ứng trước thách thức thương mại toàn cầu

Củng cố chuỗi cung ứng trước thách thức thương mại toàn cầu

09:38:00 AM GMT+7Thứ 2, 28/07/2025

Năm 2025, logistics toàn cầu đối mặt với biến động từ thuế quan, xung đột địa chính trị và yêu cầu phát triển bền vững. Với doanh thu logistics 30 - 40 tỷ USD/năm và kim ngạch xuất nhập khẩu 435 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam có cơ hội lớn nhưng bị kìm hãm bởi chi phí cao, hạ tầng hạn chế và thủ tục phức tạp.

Nhiều thách thức cản trở logistics Việt Nam

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các biến động toàn cầu, Việt Nam vẫn đang khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng khu vực, với chỉ số logistics xếp hạng 43/139 toàn cầu và thứ 5 trong ASEAN. Chia sẻ tại Diễn đàn Logictis 2025 diễn ra chiều ngày 25/7 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài (Bộ Công thương), cho biết, logistics và xuất nhập khẩu bổ trợ lẫn nhau. Với doanh thu logistics 30-40 tỷ USD/năm và tăng trưởng 16%, ngành này giúp kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 435 tỷ USD trong 6 tháng đầu 2025, tăng 16% so với 2024.

Thương mại với EU đạt 29,76 tỷ USD, tăng 11,8%, với xuất khẩu 23,02 tỷ USD, thặng dư 16,28 tỷ USD. Thành tựu này cho thấy tiềm năng lớn, nhưng các thách thức về chi phí, hạ tầng và thủ tục đang hạn chế khả năng cạnh tranh.

Chi phí logistics cao là rào cản chính, chiếm 14 - 15% GDP so với mức trung bình thế giới 9 - 10%. Ông Đinh Xuân Khánh, Giám đốc Trung tâm Logistics Tân Cảng Sài Gòn, giải thích, chi phí nâng hạ container tại cảng Việt Nam cao hơn 40% so với quốc tế, với container 40 feet lên tới 1,4 - 1,5 triệu đồng. Sự phụ thuộc vào nhà vận tải quốc tế khiến cước phí tăng cao khi nhu cầu hàng hóa tăng, gây áp lực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chi phí này không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn khiến Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia có hệ thống logistics hiệu quả hơn như Singapore hay Malaysia.

Bên cạnh đó, hạ tầng chưa đáp ứng đủ, đặc biệt là đường sắt, càng làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển. Ông Nguyễn Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Vận tải Ratraco, chia sẻ: “Đường sắt Việt Nam chủ yếu là đường đơn, khổ 1 mét, hạn chế tải trọng và tốc độ. Vận tải đường sắt chỉ chiếm dưới 1% kim ngạch vận chuyển do thiếu đầu tư hạ tầng”. Tuy nhiên, tuyến liên vận Việt Nam - Trung Quốc ghi nhận sản lượng xếp dỡ gấp đôi trong 6 tháng đầu 2025 so với 2024, cho thấy tiềm năng nếu được nâng cấp. Hạ tầng hạn chế không chỉ ảnh hưởng đến vận tải nội địa mà còn cản trở xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như EU và Trung Quốc.

Củng cố chuỗi cung ứng trước thách thức thương mại toàn cầu
Việt Nam vẫn đang khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng khu vực. Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, thủ tục hành chính phức tạp và quản lý phân tán giữa các bộ ngành càng làm chậm quá trình thông quan, đặc biệt với các mặt hàng nông sản. Ông Đặng Quý Nhân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Nam Mekong cho biết: “Lô hàng của chúng tôi bị tồn đọng do thiếu quy trình kiểm dịch rõ ràng, gây tổn thất lớn. Sự quản lý phân tán giữa các bộ như: Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp làm chậm thông quan, giảm lợi thế cạnh tranh. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng khi xuất khẩu sang EU, nơi quy định EUDR yêu cầu truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, hoặc sang Trung Quốc, nơi cần thời gian giao hàng nhanh để đảm bảo chất lượng nông sản tươi. Do đó, công ty đề xuất tập trung quản lý logistics vào một đầu mối duy nhất để giảm chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu".

Cơ hội từ vận tải đa phương thức và công nghệ số

Trong bối cảnh toàn cầu biến động, vận tải đa phương thức và công nghệ số mở ra cơ hội để Việt Nam giảm chi phí và tăng hiệu quả logistics. Ông Trương Tồn Vĩ - Tổng Giám đốc Công ty Việt Thông (Viet Nam Express) chia sẻ: “Năm 2024, chúng tôi vận chuyển hơn 20.000 TEU hàng hóa Trung Quốc - Việt Nam, với đường sắt chiếm 65%, giảm chi phí 22% so với đường bộ. Tinh bột sắn từ Tây Ninh đến Trịnh Châu mất 5 ngày, tiết kiệm 280 USD/kiện và giảm thất thoát từ 3% xuống 0,2%. Với thanh long, mô hình ‘kiểm soát nhiệt độ + thông quan xanh’ rút ngắn 28 giờ và giảm hao hụt từ 8% xuống dưới 1%”.

Ông Vĩ nhấn mạnh, nền tảng thông tin vận tải đa phương thức Trung - Việt sẽ nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, đặc biệt khi kim ngạch thương mại song phương đạt 230 tỷ USD năm 2024, tăng 12,5%.

Theo bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ, việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn sẽ giúp tối ưu hóa logistics. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, kết nối các cổng dịch vụ công, thủ tục hành chính, và cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như chuyên ngành của các bộ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

“Dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, đồng bộ, và có khả năng kết nối. Điều này giúp tăng tính minh bạch, hiển thị trong chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư quốc tế” - bà Linh nói.

Ông Đinh Xuân Khánh bổ sung: “Hệ thống TOPX, lệnh giao hàng điện tử và hóa đơn điện tử tại Tân Cảng Sài Gòn giúp báo giá tự động và giảm tỷ lệ xe chạy rỗng. Một nền tảng dữ liệu lớn chung sẽ nâng cao hiệu quả. Chính phủ cũng đang xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, dự kiến hoàn thành năm 2025, để tăng tính minh bạch và thu hút đầu tư”.

Củng cố chuỗi cung ứng trước thách thức thương mại toàn cầu
Vận tải đa phương thức và công nghệ số mở ra cơ hội để Việt Nam giảm chi phí và tăng hiệu quả logistics. Ảnh minh hoạ.

Để tận dụng các cơ hội này, Việt Nam cần tích hợp quản lý, hạ tầng và công nghệ vào một chiến lược đồng bộ. Ông Đinh Xuân Khánh đề xuất, cần thành lập Ủy ban Điều phối Vùng và Quốc gia để thống nhất quy hoạch và tiêu chuẩn logistics. Tích hợp giấy phép con vào hệ thống một cửa quốc gia và áp dụng cơ chế ‘luồng xanh’ cho hàng nông sản tươi sẽ giảm thời gian thông quan. Điều này giải quyết trực tiếp vấn đề quản lý phân tán, đồng thời đáp ứng yêu cầu khắt khe của EU về truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Duy Toàn nhấn mạnh, nâng cấp tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai lên khổ 1,435 mét, mở rộng ga và tăng đầu máy sẽ đáp ứng nhu cầu liên vận quốc tế. Dự án này, dự kiến khởi công cuối 2025 và hoàn thành năm 2030, sẽ giúp hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi thẳng Côn Minh (Trung Quốc) hiệu quả hơn. Phát triển cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải cần được đẩy mạnh, với chi phí hạ tầng hợp lý và quy trình vận chuyển đơn giản hóa, để cạnh tranh với Singapore và Malaysia.
TheoLạc Nguyên (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global