VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 07/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpChính sách thuế đối ứng của Mỹ tác động như thế nào tới tăng trưởng GDP của Việt Nam?

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ tác động như thế nào tới tăng trưởng GDP của Việt Nam?

10:10:00 AM GMT+7Thứ 2, 07/07/2025

Nếu mức thuế đối ứng thấp nhất của Mỹ áp dụng với Việt Nam là 10% thì tăng trường GDP của Việt Nam hầu như không bị tác động. Tuy nhiên với mức 20%, GDP sẽ bị giảm 0,7- 0,8%.

Giá trị xuất khẩu giảm 10%, GDP giảm 0,8%

Thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết, tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Để đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 8%, GDP quý III cần phải tăng 8,33%, Và quý IV tăng 8,51%.

Đây là thách thức lớn khi tới đây Mỹ sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Thống kê trả lười Nhadautu.vn. Ảnh: Việt Hằng

Trả lời Nhadautu.vn về tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam, ông Lê Trung Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm.

“Ngay từ đầu tháng 4/2025, khi Hoa Kỳ công bố mức thuế 46% sau đó có 3 tháng thực hiện đàm phán, Cục Thống kê chủ động áp dụng mô hình Bảng cân đối liên ngành 2019 cùng cập nhật số liệu về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 theo 46 nhóm hàng chủ yếu để đánh giá tác động của việc giảm nhu cầu hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ.”- Ông Hiếu thông tin,

Theo đó, kết quả tính toán cho thấy, nếu trị giá hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 1% sẽ làm cho tăng trưởng GDP giảm 0,08 điểm %, trong đó tác động trực tiếp làm GDP giảm 0,07 điểm % và tác động gián tiếp (tác động lan tỏa qua mối quan hệ liên ngành) làm GDP giảm 0,01 điểm%.

“Như vậy, giả định áp dụng thuế suất mới làm giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm khoảng 10%, tăng trưởng GDP sẽ giảm khoảng 0,8 điểm %…”- Phó Cục trưởng thông tin.

Đồng thời cho biết, một số nhóm ngành giảm mạnh như: sản phẩm dệt may, sản xuất trang phục và sản phẩm linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính và thiết bị ngoại giảm khoảng 4 điểm %; sản phẩm thiết bị đo lường, kiểm tra, định hướng và điều khiển; đồng hồ giảm 5,3 điểm %; ngành giày, dép, vali, túi xách các loại giảm 4 điểm%; nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 4,1 điểm %; nhóm sản gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nội thất và ngành thủy sản giảm 2,6 điểm %; một số sản phẩm nông sản như: hồ tiêu, cá tra, rau đậu các loại, hạt điều, cà phê, tôm giảm khoảng 1,4 điểm % …

3 kịch bán áp thuế đối ứng của Mỹ với GDP của Việt Nam

Theo Báo cáo về Rào cản Thương mại nước ngoài năm 2024 của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), nguồn tài liệu chính thức do Hoa Kỳ công bố: Mức thuế MFN (tối huệ quốc) trung bình của Việt Nam là 9,4%; đối với hàng nông nghiệp là 17,1%; đối với hàng phi nông nghiệp là 8,1%.

Theo số liệu từ Hải Quan Việt Nam năm 2024, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ có trị giá 119,5 tỷ USD chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với 15 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 nhóm hàng áp đảo gồm: Máy tính và linh kiện với 23,2 tỷ USD (19,4%); Máy móc thiết bị với 22 tỷ USD (18,5%); Và dệt may với 16,2 tỷ (13,5%).

Dệt may là một trong 3 nhóm hàng hóa  có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ  lớn. Ảnh: Ngóc Thắng

Từ số liệu đó, Cục Thống kê đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP tương ứng với mức thuế đối ứng Mỹ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 10%, 15% và 20%.

Với trường hợp Hoa Kỳ áp thuế trung bình 10,0% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ hầu như không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, không tác động đến tăng trưởng kinh tế;

Trường hợp Hoa Kỳ áp thuế trung bình 15% sẽ tác động giảm 6-7,2 tỷ USD trị giá hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ (giảm khoảng 5-6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa). Tác động giảm GDP khoảng 0,4-0,5 điểm %.

Trường hợp Hoa Kỳ áp thuế trung bình 20% sẽ tác động giảm 11-12 tỷ USD trị giá hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ (giảm khoảng 9-10% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa). Tác động giảm GDP khoảng 0,7-0,8 điểm %.

Theo ông Lê Trung Hiếu, kịch bản đánh giá tác động trên cơ sở các điều kiện, giả thiết với điều kiện hệ số co giãn trong khoảng từ 1-1,2%; tuy nhiên, có thể do tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ có nhu cầu cao hoặc thay thế giá rẻ hơn ở các thị trường cạnh tranh khác sẽ hệ số co giãn khác;

Kịch bản này cũng không có ràng buộc chặt về điều kiện hàng xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (về nguồn gốc nguyên vật liệu, hàng trung chuyển); Không có sự tác động tăng thêm hay mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy các FTA hiện có;

“Tuy nhiên, xem xét trong mối tương quan với các nước có mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ tương tự như Việt Nam (như Ấn Độ, Băng- la- đét…) có mức thuế cao hơn Việt Nam thì các mức tác động đến GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống."- Ông Hiếu cho biết thêm.

Đồng thời lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu, thay thế các mặt hàng xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh…

TheoThanh Thanh (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global