Thứ 7, 12/10/2024 | English | Vietnamese
01:42:00 PM GMT+7Thứ 2, 09/09/2024
Dự báo nửa cuối năm nay, nhu cầu tiêu thụ cá tra của các quốc gia sẽ tiếp tục tăng, đưa giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam về đích 1,8 tỷ USD trong năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn phải đứng trước hai thách thức lớn liên quan đến tỷ giá và giá cước vận chuyển.
Sản lượng phục hồi nhưng chi phí vận chuyển phát sinh
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% (so với cùng kỳ năm trước).
Theo Agromonitor - đơn vị cung cấp các thông tin chuyên sâu về thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu cá tra hồi phục trong nửa đầu năm 2024, với sự hỗ trợ từ mức tăng sản lượng ở tất cả các thị trường, trong đó nổi bật là thị trường Mỹ và nhất là khi giá bán duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, việc giá bán không tăng, thậm chí giảm nhưng chi phí vận chuyển cao, nhất là các tuyến vận chuyển xuyên lục địa đi châu Âu và Mỹ đã kéo lùi biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Cá tra phile đông lạnh là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang các thị trường. Ảnh TL minh họa. |
Đối với các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, trong nửa đầu năm 2024, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã Ck: VHC) ghi nhận doanh thu tăng 22% so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 6.074 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 27% xuống gần 484 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 12%, biên lợi nhuận ròng đạt 8%, đây là mức biên lợi nhuận thấp kỷ lục so với giai đoạn 2020 - 2023.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản giảm chủ yếu do giá cước vận tải biển tăng mạnh trong quý II/2024. |
Theo đó, lợi nhuận nửa đầu năm nay của Vĩnh Hoàn giảm do giá bán cá tra giảm và chi phí vận chuyển tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 100,3 tỷ đồng.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Nam Việt (mã Ck: ANV) ghi nhận doanh thu 2.209 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 34 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,9% và 17% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lợi nhuận gộp là 11% và biên lợi ròng là gần 2%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của Nam Việt cũng suy giảm chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng cao.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I (mã Ck: IDI) cũng có doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 0,7% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 3.565 tỷ đồng và 29 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 8,3% xuống 7,6% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 1% xuống 0,8%. Chi phí vận chuyển cũng tăng 39% lên mức 49,5 tỷ đồng.
Tỷ giá làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu
VASEP đánh giá, dù chưa bứt phá mạnh mẽ nhưng hoạt động xuất khẩu thuỷ sản đến các thị trường lớn nhìn chung đã có tín hiệu hồi phục dần. Xu hướng này kỳ vọng sẽ duy trì trong những tháng cuối năm 2024 nhờ tồn kho ở các nước giảm và nhu cầu chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm tăng.
Theo đó, triển vọng ngành trong nửa cuối năm 2024 tập trung ở mức tăng sản lượng nhờ giá bán cá tra cạnh tranh hơn các loại cá khác. Giá bán cá tra kỳ vọng tăng dần trong nửa cuối năm nay ở tất cả các thị trường nhờ mùa cao điểm.
Trước đó, VASEP kỳ vọng, năm 2024 xuất khẩu cá tra Việt Nam dự kiến đạt 1,8 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.
USD yếu đi và VND mạnh lên vô hình chung đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi hầu hết hợp đồng thương mại được tính theo đồng USD. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trong tháng 9/2024, đồng USD đã yếu đi so với đồng VND trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu của Trading Economics - đơn vị cung cấp các thông tin về dữ liệu kinh tế vĩ mô, tỷ giá USD/VND đã giảm 2,5% từ đỉnh về 24.825 đồng.
Việc USD yếu đi và VND mạnh lên vô hình chung đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi hầu hết hợp đồng thương mại được tính theo đồng USD, dẫn tới giá hàng hoá của Việt Nam đang đắt hơn so với giai đoạn trước, làm giảm sức hấp dẫn về giá đối với các nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có tăng trưởng nhưng vẫn đang đối diện với những khó khăn không nhỏ, chủ yếu là mức tăng trưởng nhưng chưa ổn định.
Trước thực tế trên, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tài chính và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và mở rộng hoạt động xuất khẩu, nắm bắt và tận dụng cơ hội hiện tại, đặc biệt trong các ngành thủy sản, dệt may, da giày, nông, lâm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 8 đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm 4,24 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8 là 473,33 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 68,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. |
09:48:00 AM GMT+7Thứ 7, 12/10/2024
09:47:00 AM GMT+7Thứ 7, 12/10/2024
09:45:00 AM GMT+7Thứ 7, 12/10/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global