Thứ 6, 11/07/2025 | English | Vietnamese
02:06:00 PM GMT+7Thứ 5, 10/07/2025
Theo Tổng giám đốc ACB - ông Từ Tiến Phát, “Ngay cả thói quen tiết kiệm cũng đang thay đổi. Trước đây là gửi tiết kiệm đơn thuần, giờ là tiết kiệm kết hợp với đầu tư. Tôi cũng không đồng tình với quan điểm Gen Z không tiết kiệm"
Tam giác tiêu dùng – tiết kiệm – đầu tư đang chứng kiến sự thay đổi rõ nét dưới tác động của công nghệ và sự trỗi dậy của các thế hệ mới. Tệp khách hàng cá nhân của các tổ chức tài chính ngày càng trở nên đa dạng khi các thế hệ Gen X, Gen Y, Gen Z dần định hình với nhu cầu và hành vi riêng biệt.
Nhận định về sự phân hóa theo thế hệ, ông Từ Tiến Phát – Tổng giám đốc ACB – cho rằng không nên nhìn nhận Gen X và Gen Z như hai thái cực đối lập trong tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư. “Gen X thường tìm kiếm những khoản đầu tư ít rủi ro, như bất động sản, và khi vay là vay lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa Gen Z thì ngược lại hoàn toàn. Trên thực tế, khoảng cách giữa các thế hệ không lớn như người ta tưởng. Vấn đề là phải hiểu từng phân khúc thật kỹ để phục vụ đúng nhu cầu”, ông nói.
Từ quan điểm đó, ACB phát triển các sản phẩm gần như được "thiết kế riêng" cho từng nhóm khách hàng, thậm chí đi sâu vào các thị trường ngách. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa kênh phục vụ cũng rất quan trọng: người có tiềm lực tài chính thường chọn kênh truyền thống, còn người trẻ thì thiên về nền tảng online.
“Ngay cả thói quen tiết kiệm cũng đang thay đổi. Trước đây là gửi tiết kiệm đơn thuần, giờ là tiết kiệm kết hợp với đầu tư. Chúng tôi cũng không đồng tình với quan điểm Gen Z không tiết kiệm – vì số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tiết kiệm dân cư vẫn tăng rất nhanh trong nhiều năm. Có chăng là thay đổi về cách tiết kiệm: chuyển từ quầy giao dịch sang online, từ sản phẩm đơn lẻ sang sản phẩm kết hợp,” ông Phát chia sẻ.
Ở góc độ đầu tư, ông Nghiêm Xuân Huy, Tổng giám đốc, Nhà sáng lập Finhay – nhìn nhận rằng thói quen tài chính của mỗi thế hệ gắn liền với bối cảnh phát triển kinh tế – tài chính từng thời kỳ. Quay lại bối cảnh của giai đoạn trước năm 80, các công cụ đầu tư ở thời điểm này chỉ bao gồm vàng, tiền mặt và bất động sản.
Từ những năm thập kỷ 80 tới 2000, sau khi nền kinh tế mở cửa, chứng khoán bắt đầu phổ biến với thế hệ cuối gen X và gen Y. Còn Gen Z ngày nay thì hướng đến tài sản số và công nghệ tài chính. Theo ông Huy, các sản phẩm đầu tư có sự phân bổ theo “cuộc chơi thế hệ”.
Một điểm ông Huy nhấn mạnh là hành vi của người tiêu dùng hiện nay đang khá mâu thuẫn. “Khoảng 65% tiền gửi ở ngân hàng là ngắn hạn, phản ánh việc người dùng có xu hướng muốn giữ thanh khoản cao. Nhưng mặt khác, họ lại kỳ vọng mức return 7–15%, thậm chí 30%, điều này hơi trái ngược,” ông nói.
Dữ liệu mà Finhay và công ty chứng khoán do ông quản lý ghi nhận cho thấy các sản phẩm thu nhập cố định (fixed income) vẫn là lựa chọn chính, với tệp khách hàng chủ yếu là thế hệ gen Y và Z.
Nói về hành vi tiêu dùng của thế hệ gen Z, ông Đỗ Quang Thuận, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo đánh giá xu hướng của người trẻ hiện nay đã bắt đầu dùng nhiều công nghệ hơn để quản lí tài chính, chi tiêu, để ý đến những thứ rất nhỏ như báo cáo chi tiêu, tối ưu hoá dòng tiền bắt đầu được chú ý, cũng như sự chuyển dịch sang môi trường tiêu dùng tài chính số.
MoMo – vốn khởi đầu là ví điện tử – nhận thấy và tận xu hướng đầu tiên là tích hợp giữa đầu tư và thanh toán. Hai hoạt động này không hoàn toàn tách rời nữa mà khá tích hợp, khi khách hàng của MoMo đã nhiều người dùng lần đầu đã có tích luỹ.
Xu hướng thứ hai mà ông Thuận nhận thấy là việc công nghệ làm cho đầu tư vi mô trở nên dễ dàng hơn, người dùng tham gia vào hoạt động đầu tư sớm hơn và nhiều hơn, bắt đầu từ những sản phẩm như tiền gửi, sau đó đến chứng chỉ quỹ.
Tuy nhiên, so với các nước phát triển, thị trường tài chính cá nhân Việt Nam vẫn còn một khoảng cách nhất định. Bà Nguyễn Anh Viễn Phương, Giám Đốc Khối Khách hàng Ưu tiên, Ngân Hàng Standard Chartered Việt Nam – cho biết Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia đang phát triển như Indonesia, Philippines, Malaysia hay Thái Lan: tầng lớp trung lưu bùng nổ, tài sản ròng cá nhân tăng nhanh, kéo theo tiêu dùng và tín dụng cũng tăng mạnh.
“Thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, vay thế chấp,… giúp đẩy nhanh sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Nền tảng số của Việt Nam rất phát triển, nhưng nếu so với Singapore hay Hong Kong, người Việt vẫn có xu hướng giữ tiền trong tiết kiệm, vàng và bất động sản. Trong khi đó, người dân các nước phát triển đã dịch chuyển sang cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ từ lâu,” bà Phương nhận xét.
Theo bà, vẫn tồn tại khoảng cách khá xa trong hành vi tiêu dùng và đầu tư của người Việt so với các nước phát triển, trong đó kiến thức tài chính của người dân vẫn còn khiêm tốn.
09:04:00 AM GMT+7Thứ 6, 11/07/2025
02:20:00 PM GMT+7Thứ 5, 10/07/2025
02:17:00 PM GMT+7Thứ 5, 10/07/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global