VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 19/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpThủ tướng: Cần truyền cảm hứng cho doanh nhân cống hiến vì đất nước

Thủ tướng: Cần truyền cảm hứng cho doanh nhân cống hiến vì đất nước

09:44:00 AM GMT+7Thứ 2, 19/05/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thương trường là "chiến trường" do đó, cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các doanh nhân - "chiến sỹ" trên mặt trận kinh tế và phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình trình bày chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68 và kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết.

Sau khi Nghị quyết 68 được ban hành ngày 4/5, trong vòng 13 ngày, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết để thể chế hóa và triển khai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cho biết, trong gần 40 năm, từ khi đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với KTTN đã được thể hiện rất rõ tại các Văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTTN. KTTN ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng.

Một số kết quả nổi bật của KTTN như: Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.

KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.

Đồng thời khu vực này là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.

Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.

Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, tuy nhiên, Thủ tướng của thẳng thắn nhìn nhận, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế. Thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Thủ tục hành chính còn vướng mắc; chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 70/190 quốc gia, thấp hơn một số nước trong khu vực.

Một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ, sửa đổi kịp thời; thủ tục đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn phức tạp, thiếu minh bạch; một số chính sách hỗ trợ DNTN khó thực hiện...

"KTTN gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan là chính. Tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng KTTN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự phát triển và chưa tương xứng với mong muốn của chúng ta", Thủ tướng cho hay.

Phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh mới nhiều khó khăn, thách thức, những cũng có cơ hội mới, thời cơ mới cho phát triển đất nước, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra, nhất là hai mục tiêu chiến lược 100 năm, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, nhận thức, tầm nhìn. Đây là động lực chính để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68.

Về nội dung chính Nghị quyết 68, Thủ tướng chỉ ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển KTTN, trong đó nổi bật là KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những "chiến sỹ" trên mặt trận kinh tế; Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.

"Chúng ta cần phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thương trường là "chiến trường" do đó, cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các "chiến sỹ" trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về mục tiêu của Nghị quyết 68, đến năm 2030, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu;

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu NSNN; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm; Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, KTTN phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết, ngày 17/5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN với một số nội dung chủ yếu: Cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Ngay trong ngày 17/5, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 139 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 198 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan gian hàng của FPT. Ảnh: FPT

Đào tạo chương trình AI từ lớp 1

Là 1 trong 22 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu toàn quốc tham gia hội nghị, đại diện Tập đoàn FPT bày tỏ sự vui mừng khi Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, bộ ngành và đại biểu Quốc hội đã ghé thăm gian triển lãm của Tập đoàn FPT.

Tại triển lãm, FPT trình diễn hệ sinh thái sản phẩm công nghệ AI tiêu biểu thể hiện tầm nhìn và nỗ lực thực thi Nghị quyết 66, 68 vào thực tiễn. Một trong những chính sách đột phá của Nghị quyết 68 là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ. FPT đã nỗ lực đưa AI vào phục vụ con người trong mọi hoạt động: từ giáo dục đến công việc và đời sống, nâng cao năng lực nhân sự, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và góp phần tăng cường cạnh tranh quốc gia.

Đi đầu trong công cuộc bình dân AI vụ, Tập đoàn FPT đưa chương trình đào tạo AI vào từ lớp 1. Chương trình đào tạo của FPT kết hợp đào tạo lý thuyết, thực hành, thi đấu và trải nghiệm thực tiễn. Đây là hướng đi bền vững nhằm bồi dưỡng năng lực thế hệ công dân trẻ, sáng tạo, làm chủ công nghệ tương lai, cạnh tranh toàn cầu.

Trong kỷ nguyên số, FPT cam kết tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng đội ngũ trí thức chất lượng cao và phát triển công nghệ lõi, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu, chủ động kiến tạo tương lai.

TheoVũ Phạm (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global