Thứ 3, 20/05/2025 | English | Vietnamese
01:39:00 PM GMT+7Thứ 3, 20/05/2025
Chuyên gia cho rằng, các đề xuất đánh thuế bất động sản của Bộ Tài chính dù hợp lý tới đâu cũng cần tính đến những bất ổn xáo trộn và tính khả thi khi áp dụng. Thậm chí, nếu không tính toán chi tiết, kỹ lưỡng khi áp dụng vào thực tế có thể gây ra tác dụng ngược (giá nhà sẽ càng tăng thêm khi các loại thuế phí đều nhà đầu tư đưa vào chi phí).
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam nhiều biến động, Bộ Tài chính đã có những đề xuất về việc đánh thuế BĐS thứ 2 trở lên; đánh thuế cao trên lợi nhuận khi chuyển nhượng BĐS; đánh thuế trên thời gian sở hữu... với mục đích chính nhằm kiểm soát hoạt động "đầu cơ, lướt sóng", góp phần xây dựng thị trường phát triển ổn định và bền vững.
Xoay quanh vấn đề này, chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Học viện Eagle Academy cho biết, việc đánh thuế BĐS là điều đúng đắn và phù hợp vs sự phát triển của thị trường, sự phát triển của kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, những đề xuất đánh thuế liên quan đến sở hữu BĐS làm nhiều người lo lắng băn khoăn.
"Vấn đề này không mới, nó đã xuất hiện từ 20 năm nay và gây xôn xao thị trường bất động sản nhất là khi thị trường có những biến động. Có thể hiểu, các đề xuất của Bộ Tài chính tất cả vì một mục đích kìm chế việc đầu cơ, ngăn chặn sự tăng giá, hạn chế đầu cơ, để nguồn vốn còn dồn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác tạo ra của cải vật chất cho xã hội", ông nói.
Ông Hoàng cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam được dẫn dắt bởi hoạt động đầu tư, đa số mọi người khi tích luỹ được tài chính đều muốn mua BĐS để giữ giá trị và tăng giá. Khi thị trường biến động và tăng giá do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố đầu cơ.
"Những đề xuất về thuế là hoàn toàn có cơ sở nhưng lại đang gây ra những lo lắng và băn khoăn. Trong đó, lo lắng nhất là việc áp thuế cao hoặc thêm loại thuế sẽ làm cho giá BĐS càng tăng cao. Đồng thời việc áp dụng thực tế sẽ như thế nào hay lại gây ra những ách tắc thêm cho thị trường. Nhất là thời điểm này, thị trường mới chỉ vượt qua đc sự trầm lắng và sự phục hồi đang rất chậm nên vẫn chưa được coi là sôi động", ông cho hay.
Theo ông Hoàng có một số băn khoăn về các đề xuất đánh thuế BĐS. Đơn cử như việc đề xuất thuế đánh 20% trên lợi nhuận khi chuyển nhượng. Nếu một BĐS mua từ 10 năm trước với giá khác và 10 năm sau bán với giá khác thì theo thị trường sự chênh lệch đó rõ ràng là không hợp lý. Chưa kể, chúng ta còn xác định các chi phí đi kèm như lãi vay ngân hàng, môi giới, thuế phí khi làm chủ quyền/đăng bộ/trước bạ/bảo hiểm...
Tiếp theo, việc đánh thuế theo thời gian sở hữu qua đó nếu việc chuyển nhượng càng nhanh (sở hữu thời gian ngắn) thì thuế càng cao. Về cơ bản, ông Hoàng cho rằng rất hợp lý để hạn chế việc "đầu cơ, lướt sóng". Nhưng thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư mua BĐS cho thuê để tạo dòng tiền và thời gian sở hữu rất lâu thì việc đánh thuế này lại áp dụng khó hiệu quả.
Một đề xuất nữa là việc đánh thuế BĐS thứ 2 trở lên được rất nhiều người ủng hộ vì nó sẽ làm cho phân chia xã hội công bằng hơn, người càng kiếm nhiều tiền thì càng phải đóng thuế nhiều hơn. Thế nhưng, việc áp dụng thực tế tại Việt Nam cũng không dễ dàng.
Nguyên nhân là do môi trường thị trường BĐS Việt Nam khác với nước ngoài. Thứ hai là văn hoá truyền thống ở Việt Nam. Nếu một người sở hữu BĐS và được thừa kế căn nhà của cha mẹ, người thân thì sẽ đóng thuế như thế nào, trong khi chưa chắc người được thừa kế là có tài chính và thu nhập phù hợp để chịu một mức thuế cao. Ngoài ra, việc sở hữu BĐS thứ 2 còn tuỳ vào loại hình như đất vườn/nông nghiệp hay nhà ở đô thị.
"Việc đề xuất các hình thức đánh thuế BĐS dù hợp lý tới đâu thì cũng cần tính đến những bất ổn xáo trộn hoặc tính khả thi khi áp dụng. Thậm chí, khi áp dụng vào thực tế còn có thể rủi ro gây tác dụng ngược (giá nhà càng tăng thêm khi các loại thuế phí đều được người đầu tư đưa vào chi phí)", ông đánh giá.
Vị chuyên gia nhận định, việc đánh thuế BĐS là cần thiết, đúng đắn nhưng không phải là biện pháp duy nhất để hạn chế việc "đầu cơ". Do đó, để thị trường BĐS minh bạch, bền vững cần một giải pháp đồng bộ cùng với các yếu tố quan trọng hàng đầu khác. Ví dụ, cần tăng nguồn cung mới ra thị trường bởi bản chất thị trường là cung - cầu và cạnh tranh.
"Chúng ta cần có sự tính toán phù hợp với bản chất thị trường BĐS Việt Nam cũng như văn hoá truyền thống người Việt và có lộ trình (có thể thử nghiệm theo giai đoạn) từng bước áp dụng hoặc tuỳ theo giai đoạn thời điểm lên xuống của thị trường", ông nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến chính sách thuế BĐS, trong cuộc họp với các Bộ, ngành địa phương hôm 15/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần nghiên cứu đánh thuế đối với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai, nhưng phải làm thấu đáo, không gây ảnh hưởng đến người dân sử dụng nhà đất hợp pháp, tránh tình trạng đánh thuế trùng, phân biệt rõ người đầu cơ với người sử dụng thật, người kinh doanh hợp pháp với người bỏ hoang, lãng phí tài nguyên.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global