Thứ 5, 15/05/2025 | English | Vietnamese
09:35:00 AM GMT+7Thứ 5, 15/05/2025
Việt Nam đang theo đuổi lộ trình năng lượng tái tạo đầy tham vọng, không chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Chuyên gia cho rằng những biến động từ căng thẳng thương mại toàn cầu có thể mang lại cho Việt Nam cơ hội độc nhất để củng cố lĩnh vực năng lượng tái tạo của đất nước.
Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (trừ thủy điện), nâng tỷ trọng lên 28–36% vào năm 2030 và 74–75% vào năm 2050.
Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, Việt Nam còn hướng đến phát triển năng lượng tái tạo để xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, với mục tiêu đạt công suất xuất khẩu 5.000–10.000 MW vào năm 2035.
Quyết định 768 khẳng định năng lượng tái tạo là trọng tâm phát triển, nhưng phải đi cùng điều kiện đảm bảo an toàn hệ thống và duy trì mức giá điện hợp lý. Theo giới phân tích, động thái này thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Việt Nam sở hữu nguồn năng lượng mặt trời đầy tiềm năng, ước tính đạt 963.000MW – con số được đánh giá đáng kinh ngạc so với công suất hiện tại là 16.600MW. Với 72GW của các dự án điện gió ngoài khơi dọc bờ biển dài 3.260km, giới phân tích nhận định tương lai ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam là vô cùng rạng rỡ.
TS Nguyễn Vĩnh Khương - Giảng viên ngành Kỹ thuật điện tử và Hệ thống máy tính tại Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, Quyết định 768 không chỉ thể hiện tham vọng mà còn có cơ sở thực hiện, nhờ khoản hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ Quan hệ đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng với EU và Anh ký kết cuối năm 2022.
Theo ông, từng trang của câu chuyện năng lượng tái tạo thành công Việt Nam vẫn đang mở ra: theo Global Energy Monitor, công suất điện mặt trời và điện gió quy mô tiện ích đã đạt 19,5 GW, cao gấp đôi tổng công suất các nước ASEAN cộng lại. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 25% cơ cấu nguồn điện quốc gia – vượt xa mức trung bình khu vực chỉ 9%.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những điểm nghẽn lớn. TS Khương chỉ ra rằng khoảng 90% thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo được nhập khẩu, phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc. Điều này khiến Việt Nam phải đối mặt với rủi ro địa chính trị và chuỗi cung ứng khi căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
“Các rủi ro này đang hiện hữu. Các doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam, chẳng hạn như Jinko Solar và Trina Solar, phải đối mặt với mức thuế của Mỹ lần lượt lên tới gần 245% và 202% sau quyết định của Mỹ từ tháng 4/2025. Một số doanh nghiệp năng lượng mặt trời Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện đối mặt với mức thuế cao lên tới 813,92%, khiến chi phí dự án tăng phi mã và có khả năng làm cho đà tăng trưởng của ngành chậm lại”, ông Khương cảnh báo.
Một thách thức nghiêm trọng khác là sự mất cân đối giữa tốc độ phát triển nguồn và hạ tầng truyền tải. Trong khi dự án điện mặt trời công suất 50–100 MW có thể hoàn tất trong vòng 6 tháng, thì hệ thống truyền tải đi kèm cần tới 2–3 năm để hoàn thiện.
“Sự lệch pha này tạo ra nút thắt khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Trong số 86 GW năng lực điện mặt trời và gió quy mô tiện ích tiềm năng được xác định tại Việt Nam, chỉ có 2% hiện đang trong quá trình xây dựng – một chỉ số chỉ rõ những thách thức trước mắt”, ông Khương cho biết.
Dưới góc nhìn của TS Khương, những biến động từ căng thẳng thương mại toàn cầu có thể mang lại cho Việt Nam cơ hội độc nhất để củng cố lĩnh vực năng lượng tái tạo của đất nước. Khi các công ty trên toàn thế giới tìm kiếm những giải pháp thay thế cho hàng sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam có thể định vị mình như một trung tâm chiến lược về sản xuất năng lượng tái tạo.
“Việc phát triển sản xuất ttấm năng lượng mặt trời, ắc quy trữ năng và những công nghệ liên quan ngay trong nước sẽ giúp giảm phụ thuộc nhập khẩu, tạo việc làm có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông nói.
Việt Nam cũng đang sở hữu lợi thế về mạng lưới hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA và CPTPP, cho phép tiếp cận nhiều thị trường lớn với điều kiện ưu đãi, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Để duy trì vị thế dẫn đầu trong năng lượng tái tạo, ông Khương khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp như thúc đẩy sản xuất trong nước bằng chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế và cải cách thủ tục hành chính; tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và hình thành các liên doanh chiến lược; đầu tư cho nghiên cứu – phát triển (R&D) nhằm phát triển công nghệ và giải pháp lưu trữ phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa lưới điện và hạ tầng lưu trữ là yêu cầu cấp thiết. Việc này không chỉ giúp tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo gián đoạn một cách ổn định hơn mà còn nâng cao độ tin cậy của hệ thống. Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư có thể huy động thêm nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật, đẩy nhanh việc cải thiện cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, theo TS Khương, Việt Nam cần thiết lập khung chính sách năng lượng ổn định, minh bạch và dài hạn, nhằm tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư quốc tế. Những chính sách nhất quán, dễ dự đoán và có ưu đãi rõ ràng sẽ định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu.
“Mặc dù căng thẳng thương mại và thuế đối ứng tiềm ẩn rủi ro, song chính điều này cũng mang đến cho Việt Nam cơ hội độc đáo để xây dựng ngành năng lượng tái tạo tiên tiến và có khả năng phục hồi. Bằng cách tận dụng các nguồn lực hiện có, giải quyết những lỗ hổng thông qua nghiên cứu và giải pháp kỹ thuật, cũng như áp dụng các chính sách toàn diện, Việt Nam có thể biến những thách thức này thành quỹ đạo tăng trưởng bền vững”, ông Khương nhấn mạnh.
09:33:00 AM GMT+7Thứ 5, 15/05/2025
09:31:00 AM GMT+7Thứ 5, 15/05/2025
09:29:00 AM GMT+7Thứ 5, 15/05/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global