VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 11/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệp[Gặp gỡ thứ Tư] 'Phát triển kinh tế biển cần tạo ra 4 đột phá'

[Gặp gỡ thứ Tư] 'Phát triển kinh tế biển cần tạo ra 4 đột phá'

02:00:00 PM GMT+7Thứ 5, 10/07/2025

Bước vào kỷ nguyên tăng trưởng xanh, kinh tế biển Việt Nam đối mặt nhiều thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương. Quy hoạch không gian biển và hợp nhất địa giới hành chính mở ra cơ hội định hình hành lang sinh học, tiếp cận tổng thể các mô hình phát triển bền vững toàn cầu.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với Nhadautu.vn về chiến lược phát triển kinh tế biển.

Tạo không gian biển, đảo rộng hơn sau sáp nhập

Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ đã được phê duyệt. Các quy hoạch này có ý nghĩa như thế nào đến phát triển kinh tế biển trong đó có du lịch biển nước ta?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 4.000 đảo, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Vấn đề là làm sao để các tác động vẫn nằm trong tầm kiểm soát, để có thể hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Đó là nguyên tắc cơ bản trong tất cả các chiến lược, đề án, quy hoạch.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Các tỉnh, thành phố có biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.

Hiện nay, Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ đã được phê duyệt. Đây là những định hướng cách tiếp cận tổng thể, với những giải pháp trọng tâm trọng điểm để làm sao giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, bảo vệ đại dương. Việc hợp nhất các tỉnh cũng tạo ra không gian rộng hơn, hệ sinh thái rộng mở, định hình hành lang sinh học để tiếp cận tổng thể kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Chu Khôi.

Trong Quy hoạch không gian biển, đã nêu rõ 4 đột phá cho phát triển kinh tế biển: Phát triển hạ tầng logistic xanh; phát triển du lịch bền vững; phát triển kinh tế biển xanh bền vững; phát triển năng lượng xanh từ biển.

Khi xây dựng các quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng bờ hay quy hoạch nguồn lợi thủy sản, cơ quan chức năng đều phải tiến hành đánh giá hiện trạng hệ sinh thái, môi trường biển Việt Nam; xác định các tiềm năng, thế mạnh để có thể đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch. 

Để chứng minh hệ sinh thái suy giảm cần xác định rõ căn cứ để có thể so sánh và có dẫn chứng cụ thể. Thực tế, khi đã có tác động vào biển, kể cả kinh tế biến xanh thì thiên nhiên tại khu vực đó đều sẽ bị ảnh hưởng.

Vấn đề là làm sao để các tác động vẫn nằm trong tầm kiểm soát, để có thể hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Đó là nguyên tắc cơ bản trong tất cả các chiến lược, đề án, quy hoạch.

Việc quản lý được các hoạt động khai thác trái phép nguồn lợi từ biển vẫn luôn là vấn đề mà cơ quan quản lý quan tâm, sẽ tiếp tục có giải pháp. Và phải nhìn nhận, đây không phải là chuyện ngày một ngày hai có thể thành công. Phải biến quan điểm chính trị của Đảng thành chính sách, quy hoạch, tuyên truyền một cách hệ thống.

Từ giải pháp thể chế, quy hoạch, từ chính sách quản lý nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức để có sự chung tay của cả cộng đồng. Với ý chí lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Về mặt thể chế chính sách, để phát triển kinh tế biển và hải đảo, cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung những gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đánh dấu bước chuyển từ tư duy "quản lý" sang "phục vụ", coi pháp luật là đòn bẩy phát triển.

Trong lĩnh vực biển và hải đảo, việc sửa đổi pháp luật phải bám sát tinh thần nghị quyết này, với sáu nguyên tắc cốt lõi: Đổi mới tư duy kiến tạo; quản lý tổng hợp dựa trên hệ sinh thái; minh bạch, dễ tiếp cận; đẩy mạnh chuyển đổi số; chủ động hội nhập quốc tế; và tăng cường tổ chức thi hành pháp luật.

Một số nội dung trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung gồm: Hoàn thiện quy định về sử dụng không gian biển và quy hoạch vùng bờ; tăng cường bảo vệ hệ sinh thái biển như rạn san hô, rừng ngập mặn; quy định cụ thể về phòng chống ô nhiễm, nhất là rác thải nhựa đại dương và sự cố môi trường; phát triển các công cụ kinh tế như phí môi trường, đấu giá quyền khai thác tài nguyên biển; khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ biển hiện đại; và hoàn thiện quy định thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Quy hoạch không gian biển với 4 đột phá

Phát triển kinh tế thuỷ sản biển bền vững cũng điểm thu hút cho du lịch. Đâu là những giải pháp trọng tâm?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành các quy hoạch bảo vệ khai thác nguồn lợi thủy sản, định hướng rõ 27 khu bảo tồn biển, 149 khu vực ở vùng biển, và 119 khu vực nội địa được khoanh vùng, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản của các loài thủy sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống.

Đối với khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc để giảm khai thác. Về nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ xanh được cho là đột phá để bán tín chỉ carbon. Lĩnh vực thủy sản đang tập trung chỉ đạo nuôi trồng rong biển, phục hồi hệ sinh thái.

Quy hoạch không gian biển được Quốc hội thông qua đã tạo ra không gian tổng thể. Việc hợp nhất các tỉnh cũng tạo ra không gian rộng hơn, hệ sinh thái rộng mở, định hình hành lang sinh học để tiếp cận tổng thể kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Ngoài ra, còn đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Quy hoạch không gian biển với 4 đột phá và 5 nhiệm vụ tích hợp đồng bộ các quy hoạch của các lĩnh vực khác nhau. Đó là những điều quan trọng để định hướng lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là phục hồi hệ sinh thái.

Quy hoạch không gian biển nêu rõ 4 đột phá cho phát triển kinh tế biển: Phát triển hạ tầng logistic xanh; phát triển du lịch bền vững; phát triển kinh tế biển xanh bền vững; phát triển năng lượng xanh từ biển. Ảnh: PV.

Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đặc biệt là Cục Thủy sản và Kiểm ngư cũng đã xây dựng chương trình có định hướng xã hội hóa trong công tác phục hồi. Đây là khâu đột phá để công tác bảo tồn có sự tham gia của doanh nghiệp, trong bối cảnh tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí.

Quy hoạch không gian biển được Quốc hội thông qua đã tạo ra không gian tổng thể. Việc hợp nhất các tỉnh cũng tạo ra không gian rộng hơn, hệ sinh thái rộng mở, định hình hành lang sinh học để tiếp cận tổng thể kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Những hoạt động nào trên biển mà không phải xin làm thủ tục giao biển?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BNNMT năm 2025, nêu lên nhiều hoạt động không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển. Đó là, hoạt động khai thác thủy sản trên biển, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn biển không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển.

Ngoài ra, hàng loạt các hoạt động không phải thực hiện thủ tục này như khắc phục hậu quả trực tiếp do thiên tai, sự cố môi trường gây ra trên biển, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước với mục đích phi lợi nhuận theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện hoặc được thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản, cũng không phải làm thủ tục giao biển.

Khi thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí, nạo vét trong vùng nước cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và luồng hàng hải (trừ hoạt động nạo vét có kết hợp thu hồi sản phẩm) theo quy định của pháp luật, chủ dự án không phải làm thủ tục giao biên.

Đặc biệt, hoạt động sử dụng khu vực biển phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, bao gồm cả trường hợp sử dụng khu vực biển để thực hiện nhận chìm ở biển cũng không phải làm thủ tục giao biển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

TheoCHU KHÔI (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global