Thứ 2, 12/05/2025 | English | Vietnamese
10:20:00 AM GMT+7Thứ 7, 10/05/2025
Nhà chức trách cho rằng, việc sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng mạnh, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, đặc biệt với trẻ em, lâu dài nguy cơ tạo gánh nặng y tế. Do đó, cần sớm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với sản phẩm này
Thảo luận tại hội trường ngày 9/5 về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), có nhiều ý kiến trái chiều về việc đánh thuế TTĐB với nước ngọt.
Về phía cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram một 100 ml (nước ngọt) phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2027, tức lùi một năm so với dự kiến trước đây. Mức thuế áp trong năm đầu tiên là 8%, sau đó tăng lên 10% từ 2028.
Theo ông Thắng, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến dự thảo, Bộ nhận được nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên đánh thuế TTĐB với nước ngọt hay không. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định có căn cứ, cơ sở rõ ràng cho việc áp thuế này.
Bộ trưởng Tài chính thông tin, số liệu của WHO cho thấy, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5% đường tự do một ngày, phần lớn trong số này đến từ nước giải khát có đường. Theo WHO đây là nguyên nhân gây béo phì, thừa cân, đặc biệt là ở trẻ em.
“Do đó, cần phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh tật rồi mới có biện pháp ngăn ngừa”, ông Thắng nói thêm.
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Hoàng Anh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nêu thực trạng, cả nước hiện có hơn 21 triệu người trưởng thành mắc các bệnh về tim mạch, tương đương gần 25% dân số cả nước, trong đó mỗi năm có 200.000. người chết vì bệnh này. Bên cạnh đó, hơn 5 triệu người Việt sống chung với tiểu đường, 40% trẻ em thành thị thừa cân béo phì.
Chưa kể, tính đến 2024, Việt Nam có hơn 360.000 người đang mắc "án tử" ung thư, mỗi năm có khoảng 180.000 ca mắc mới, trong đó hơn 120.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong do ung thư hơn 73,5%, cao hơn rất nhiều trung bình so với toàn cầu.
Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Anh, tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, từ 1,59 tỉ lít năm 2009 lên 6,67 tỉ lít năm 2023, tương ứng tăng 420%.
“Đồ uống có đường không có giá trị dinh dưỡng đáng kể nhưng lại được tiêu thụ ngày càng nhiều, có nguy cơ gia tăng ung thư, cũng như thừa cân, béo phì ở trẻ em”, ông Hoàng Anh quan ngại.
Ông Lê Hoàng Anh cũng cho biết một số quốc gia trong khu vực đã có các chính sách thuế mạnh mẽ nhằm hạn chế sử dụng mặt hàng này. Ví dụ, Thái Lan áp thuế từ 2017, ngay sau đó lượng tiêu dùng mặt hàng này đã giảm, Philippines, Malaysia thu hàng tỉ USD thuế từ đồ uống này và giảm tỉ lệ bệnh tật, Brunei cũng đang áp thuế cao hơn Việt Nam.
“Chính sách thuế này không nhắm vào việc cấm đoán mà tạo động lực cho việc lựa chọn sử dụng đúng sản phẩm, góp phần giảm bệnh tật, giảm gánh nặng y tế. Do đó, tôi đề nghị không giảm mức thuế xuống 8% mà giữ mức 10% và không lùi thời hạn, áp dụng ngay từ năm 2026”, vị đại biểu Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng việc áp thuế 10% với nước ngọt là chưa hợp lý, có thể gây tác động ngoài mong muốn đến các sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây...Những sản phẩm này có thể bị đánh đồng với nước ngọt.
"Hàng trăm ngàn nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không. Việc áp cùng mức thuế 10% như nước ngọt là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp", ông Khải lo ngại.
Ông Khải nêu giải pháp, cần cách làm đồng bộ, kết hợp các giải pháp như tăng truyền thông về dinh dưỡng để thay đổi hành vi tiêu dùng, vì thuế 10% "có thể quá thấp để tác động tới sức khỏe cộng đồng", thay vì áp thuế.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương ủng hộ việc đánh thuế đặc biệt với nước ngọt như tại Dự thảo luật.
Tuy vậy, bà Nga đề nghị dự luật quy định rõ hơn ngưỡng đường từ 5 gram một 100 ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam để tránh áp dụng tràn lan với các sản phẩm có lợi sức khoẻ (sữa, nước trái cây nguyên chất).
Theo bà Nga, điều này giúp chính sách thuế hướng trúng vào nhóm sản phẩm cần điều chỉnh mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất thực phẩm lành mạnh.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết, thông qua vào ngày 13/6.
10:21:00 AM GMT+7Thứ 7, 10/05/2025
10:18:00 AM GMT+7Thứ 7, 10/05/2025
10:16:00 AM GMT+7Thứ 7, 10/05/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global