VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 16/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nhânChủ tịch Đèo Cả: Nghị quyết 68 là 'điểm tựa' của doanh nghiệp tư nhân

Chủ tịch Đèo Cả: Nghị quyết 68 là 'điểm tựa' của doanh nghiệp tư nhân

09:52:00 AM GMT+7Thứ 5, 15/05/2025

Nhấn mạnh doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì trước hết phải có một điểm tựa, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho rằng điểm tựa ấy chính là Nghị quyết 68.

Kể từ khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ban hành, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp mong muốn văn kiện này sớm được hiện thực hóa trong đời sống nhằm khởi thông “điểm nghẽn” thể chế, tạo động lực để kinh tế tư nhân vươn mình.

Vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong thời đại mới

Tại tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do Tạp chí Đầu tư Tài chính vừa tổ chức, PGS. TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đánh giá Nghị quyết 68 đã thể hiện nhận thức và khẳng định rõ ràng của Đảng về vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong thời đại mới.

Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do Tạp chí Đầu tư Tài chính vừa tổ chức.

Theo PGS. TS Trần Quốc Toản thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều ý kiến cực đoan, hiểu sai hoặc phủ nhận vai trò tích cực của kinh tế tư nhân, khiến cho quá trình phát triển gặp lực cản vô hình.

"Cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo kiểu hình chóp như tại Đức, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ nhau trong chuỗi giá trị", ông Trần Quốc Toản đề xuất.

Chia sẻ về vai trò của Nghị quyết 68, TS. Bùi Thanh Minh, đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng đây không phải là câu chuyện ưu tiên khu vực tư nhân, mà là vấn đề về luật chơi – khu vực này cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình.

“Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế”, ông Bùi Thanh Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nhận định Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là thông điệp chính trị mạnh mẽ, giúp tháo gỡ những định kiến lâu nay về doanh nghiệp tư nhân, đó là động lực cho doanh nhân - những “chiến sĩ thời bình” trên mặt trận kinh tế và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của cộng đồng kinh tế tư nhân.

Theo ông Hoàng, Nghị quyết 68 là cơ sở giải quyết những bất cập tồn tại cũ, xác lập công việc hiện tại phải làm và góp phần kiến tạo tương lai của dân tộc. Nghị quyết này cũng thể hiện sự thấu hiểu của Bộ Chính trị đối với những trăn trở của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững, từ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mở rộng hợp tác quốc tế.

“Doanh nghiệp muốn làm tốt bất kỳ việc gì, muốn phát triển bền vững thì trước hết phải có một điểm tựa. Archimedes từng nói : 'Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả quả đất lên’. Với tôi, điểm tựa ấy chính là Nghị quyết 68”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.

Cơ chế ưu đãi không tạo lập 'luật riêng' cho nhóm lợi ích

Cũng theo Chủ tịch Đèo Cả, Nghị quyết 68 nhấn mạnh cần tháo gỡ các rào cản thể chế – những vướng mắc tồn tại nhiều năm đang làm giảm niềm tin qua lại giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Ví dụ như cam kết của Nhà nước về tháo gỡ vướng mắc kéo dài của các dự án BOT, hay cam kết của doanh nghiệp về thực hiện các dự án đầu tư không đảm bảo dẫn đến nhiều dự án trở thành “quy hoạch treo”.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.

Bên cạnh niềm tin của Đảng và "cánh cửa cơ hội" mà Nghị quyết 68 đã mở ra đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng chỉ ra những thách thức trước mắt trong việc triển khai hiệu quả văn kiện, bao gồm cả việc tự khắc phục những hạn chế nội tại.

"Mọi cơ chế ưu đãi được ban hành không nhằm tạo lập 'luật riêng' cho cá nhân hay nhóm lợi ích nào, mà để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tận tâm, tận lực và tận hiến, gắn kết vì mục tiêu phát triển bền vững chung", ông Hồ Minh Hoàng nói.

Hưởng ứng tinh thần sôi nổi trong cộng đồng doanh nghiệp kể từ sau sự ra đời của Nghị quyết 68, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

Đầu tiên, Quốc hội và Chính phủ cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68. Để Nghị quyết 68 nhanh chóng đi vào thực tiễn, ông Hoàng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá các nội dung trong văn kiện, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các địa phương, doanh nghiệp thuận lợi triển khai.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng chủ động triển khai, áp dụng ngay những nội dung đã rõ trong Nghị quyết 68 trong công tác chỉ đạo điều hành, nhằm tận dụng hiệu quả chính sách, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

"Nếu chúng ta cùng nhau thấu hiểu và triển khai hiệu quả Nghị quyết 68, sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho kinh tế tư nhân, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình”, ông Hồ Minh Hoàng nói.

Để cộng đồng doanh nghiệp phát triển lành mạnh, minh bạch và cùng nhau đóng góp vào sự phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết 68, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả. cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng doanh nghiệp văn hóa đại diện cho lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp, nơi các ý kiến được đưa ra đều hướng tới mục đích chung. Trong trường hợp có ý kiến phản biện, thì phản biện đó cũng mang tính xây dựng... có sự cạnh tranh lành mạnh (để qua công việc phát sinh ra quan hệ).

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp phải hoạt động theo cam kết lời nói đi đôi với việc làm. Các doanh nhân cần có tư duy dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên, nhưng cũng nhìn về lợi ích phù hợp của mình để làm động lực phát triển.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần kiên định với chiến lược kinh doanh, cần nắm bắt xu hướng nhu cầu của đất nước để hoạch định phương hướng phát triển. Nếu muốn mở rộng quy mô - phát sinh lợi nhuận thì phải từ mối liên kết cộng sinh các hệ sinh thái “Con đường vàng tạo ra giá trị vàng” và “Biến dòng người thành dòng tiền”.

Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân cần thay đổi tư duy “cai trị” bằng “quản trị”. Các doanh nghiệp hiện nay nên coi trọng thái độ nhân sự hơn trình độ, chọn lọc nhân sự để sử dụng và đào tạo để trọng dụng. Chủ động nhìn nhận điểm yếu về năng suất lao động của doanh nghiệp hiện nay để ứng dụng công nghệ trong quản trị, tăng cường tổ chức đào tạo nhân lực thực hành.

Cuối cùng là lấy bài học tối ưu chi phí, giảm thiểu nhân lực của Nhà nước đã làm để tăng năng suất - tăng thu nhập cho người lao động thông qua việc tinh gọn bộ máy, phân công lao động, đánh giá hiệu quả công việc.

TheoChí Bình (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global