Thứ 6, 09/05/2025 | English | Vietnamese
08:33:00 AM GMT+7Thứ 6, 09/05/2025
Để đặt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số là cần có những giải pháp đột phá thực chất, dựa trên nền tảng thể chế hiện đại, với động lực chủ yếu từ khu vực kinh tế tư nhân, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại hội thảo khoa học quốc gia "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới", TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, năm 2025, nền kinh tế trong nước đối mặt với nhiều thách thức lớn như kinh tế thế giới suy giảm đà tăng trưởng, chủ nghĩa bảo hộ bùng phát, nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng, yêu cầu chuyển đổi số và tăng trưởng xanh ngày càng cấp bách.
"Do đó, nếu không kịp thời đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Điều này đòi hỏi chúng ta phải kiến tạo được những đột phá thực chất, những thay đổi quyết liệt trong tư duy và hành động phát triển", TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh.
Theo ông, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam vẫn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, tăng đầu tư công trong khi dư địa lao động giá rẻ đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng không còn đáp ứng kỳ vọng về một nền kinh tế phát triển năng động, sáng tạo và giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Ông Đặng Xuân Thanh phân tích, tăng trưởng kinh tế 2 con số không thể chỉ dựa vào việc tăng nguồn lao động, vốn đầu tư hay tăng khai thác tài nguyên mà cần phải gắn với đột phá về mặt thể chế.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng một khuôn khổ thể chế hiện đại, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Chỉ ra không gian kinh tế truyền thống đang dần cạn kiệt, trong khi những không gian mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển, không gian đổi mới sáng tạo,... còn nhiều dư địa, TS. Đặng Xuân Thanh cho rằng, đây chính là thời cơ để Việt Nam nhận diện các không gian tăng trưởng mới, những lĩnh vực mà Việt Nam chưa khai thác hiệu quả tiềm năng.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TW (CIEM), vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tháo bỏ điểm nghẽn thể chế, trước hết là hệ thống các quy định pháp luật liên quan....
Do đó, cần nhận thức và áp dụng đầy đủ những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, lấy đó là định hướng, là nội hàm của đột phá về thể chế, là tiêu chí rà soát, bãi bỏ các văn bản, quy định pháp luật không phù hợp. Đó là từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "năng lực quản lý Nhà nước đến đâu thì mở cho đầu tư kinh doanh đến đó" trong xây dựng và thực thi luật pháp.
Theo đó, ông cho rằng, cần bãi bỏ tất cả các quy định, các thủ tục hành chính đang cấm, hạn chế đổi mới sáng tạo, hạn chế tự do kinh doanh dưới mọi hình thức, trừ các ngành, nghề cấm kinh doanh theo luật định; đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò của khu kinh tế tư nhân như tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ cá thể đến năm 2030; và có thể gia hạn thêm; thực hiện chế độ thuế doanh thu với mức thấp hợp lý.... để khuyến khích doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh tuân thủ luật pháp theo nguyên tắc càng tuân thủ đúng, càng hưởng lợi nhiều…
Không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, nguyên Viện trưởng CIEM đề nghị, hình thành "các điểm" thể chế đột phá vượt trội so với thông lệ quốc tế tốt, tạo động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao (nâng cấp, mở rộng các khu công nghệ cao hiện có, và đầu tư thành lập thêm các khu mới); xác định các lĩnh vực công nghệ ưu tiên phát triển trong khu công nghệ cao; thành lập các khu thương mại tự do chuyên ngành (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ,...) với thể chế đột phá vượt trội so với thông lệ quốc tế tốt.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global