VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 14/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpBộ Công an kiến nghị quản lý số sê-ri vàng miếng

Bộ Công an kiến nghị quản lý số sê-ri vàng miếng

01:15:00 PM GMT+7Thứ 2, 14/07/2025

Bộ Công an kiến nghị một số nội dung tại dự thảo Nghị định 24/2012, trong đó yêu cầu quản lý số sê-ri trong kinh doanh, sản xuất vàng miếng.

Kiến nghị quản lý vàng miếng theo số sê-ri

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó, Bộ Công an kiến nghị một số nội dung trong kinh doanh, sản xuất vàng miếng.

Bộ Công an cho rằng dự thảo Nghị định 24 chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng (số sê-ri sản xuất mới, số sê-ri vàng miếng móp méo được gia công lại, sô sê-ri trong các giao dịch mua/bán, số sê-ri vàng miếng chuyển thành nguyên liệu...). Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về sô sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch trên có thể giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, giúp xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng trong giao dịch vàng miếng.

Vì thế, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, bắt buộc ghi nhận thông tin số sê ri tại chứng từ trong các hoạt động, giao dịch trên nhằm hạn chế được các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng...

Tiếp thu ý kiến này, NHNN cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch.

Về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, giá bán vàng miếng, theo Bộ Công an, dự thảo Nghị định 24 có quy định việc NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không đề cập cụ thể về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, giá bán vàng miếng (đặc biệt cần tính toán trường hợp có một thương hiệu mạnh chiếm thị phần lớn chủ chốt như SJC). Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua bán vàng miếng để tạo hành lang pháp lý can thiệp, tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Theo đó, các đơn vị phải có quy định và giải trình được cơ chế thiết lập giá, thay đổi giá trong ngày; lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá (bao gồm dữ liệu thông tin điện tử); xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng khi cần thiết (cơ chế can thiệp vào giá mua, bán; cơ chế can thiệp vào cung, cầu thị trường vàng miếng...); bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.

Tránh rủi ro biến động giá vàng

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng nhìn nhận, dự thảo Nghị định 24 quy định cơ chế cho phép các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng nhưng không đề cập cụ thể các biện pháp để các đơn vị này có thể cân trạng thái vàng, cân/chốt giá vàng trong ngày để phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng. Ngành vàng là ngành có rủi ro phụ thuộc vào giá vàng thế giới biến động và có tỷ suất sinh lợi thấp, nếu không có biện pháp "phòng thủ" chốt giá, thì từ lúc mua vàng trên sàn vàng thế giới đến khi nhập khẩu, sản xuất và bán ra thị trường, các doanh nghiệp, ngân hàng sản xuất vàng có thể gánh chịu toàn bộ rủi ro này...

Nguy cơ không khuyến khích các doanh nghiệp, ngân hàng nhập vàng về sản xuất, phân phối để giảm chênh lệch khi giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước theo định hướng của Nhà nước và nguy cơ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng này sử dụng các biện pháp không phù hợp/trái quy định pháp luật để cân trạng thái vàng...

Về vấn đề này, NHNN cho biết sẽ tiếp thu và rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan để tạo cơ sở cho NHTM có thể cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng cho khách hàng. Các doanh nghiệp khi sử dụng công cụ phái sinh thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 210/2009 hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam.

Ngoài ra, NHNN sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét việc bổ sung mặt hàng vàng vào Danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa theo quy định tại Nghị định 158/2006 của Chính phủ quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung).

TheoMinh Anh (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global