VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 20/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpApple ‘hướng nội’ dưới thời Tổng thống Trump

Apple ‘hướng nội’ dưới thời Tổng thống Trump

10:13:00 AM GMT+7Thứ 5, 17/07/2025

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh chính sách ưu tiên sản xuất trong nước, Apple đang thể hiện rõ xu hướng chuyển mình sang chiến lược nội địa hóa chuỗi cung ứng và đầu tư dài hạn tại Mỹ.

Ủng hộ nỗ lực khai thác đất hiếm của TT Trump

Apple ngày 15/7 đã công bố thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với công ty khai thác MP Materials, nhằm cung cấp nam châm đất hiếm và phát triển cơ sở tái chế tại Mỹ.

Theo thỏa thuận, Apple sẽ mua nam châm đất hiếm được sản xuất tại cơ sở của MP Materials ở Fort Worth, Texas. Song song đó, hai bên sẽ hợp tác xây dựng một dây chuyền tái chế đất hiếm mới tại Mountain Pass, California, nơi MP Materials đang vận hành mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ. Đây sẽ nơi sẽ tái chế các vật liệu từ thiết bị điện tử đã qua sử dụng để sử dụng trong các sản phẩm Apple trong tương lai.

Mỏ đất hiếm lộ thiên MP Materials ở Mountain Pass, California, Mỹ ngày 30/1/2020. (Ảnh: Steve Marcus/Reuters)

Apple và MP Materials cũng sẽ xây dựng một nhà máy khác ở Fort Worth, Texas, để sản xuất nam châm được sử dụng trong các sản phẩm của Apple và các thiết bị điện tử khác trên toàn cầu. Dự kiến, hoạt động giao hàng nam châm đất hiếm sẽ bắt đầu từ năm 2027.

Chia sẻ về sự hợp tác này, CEO Tim Cook cho biết: “Sự đổi mới mang đậm dấu ấn Mỹ là nền tảng cho mọi hoạt động của chúng tôi tại Apple, và chúng tôi tự hào được tiếp tục tăng cường đầu tư vào nền kinh tế Mỹ”.

“Vật liệu đất hiếm là yếu tố cốt lõi để sản xuất công nghệ tiên tiến, và mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp đảm bảo nguồn cung những vật liệu thiết yếu này ngay trên đất Mỹ”, vị CEO nhấn mạnh thêm.

Apple tuyên bố rằng thỏa thuận sẽ tạo ra hàng chục việc làm trong lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu phát triển (R&D), đồng thời giúp củng cố chuỗi cung ứng vật liệu thiết yếu cho ngành công nghệ cao.

Nam châm đất hiếm là thành phần then chốt trong các sản phẩm công nghệ hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính, xe điện đến hệ thống năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay đang bị Trung Quốc chi phối mạnh mẽ, khiến Mỹ nhiều năm qua nỗ lực tìm cách giảm phụ thuộc.

Chỉ mới đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trở thành cổ đông lớn nhất của MP Materials thông qua thương vụ mua 400 triệu USD cổ phiếu ưu đãi, nhằm thúc đẩy nguồn cung nam châm đất hiếm trong nước.

"Đây là một chiến thắng lớn cho tổng thống, người có tầm nhìn xa để ưu tiên giải quyết vấn đề này", một quan chức cấp cao của Nhà Trắng chia sẻ với Fox News Digital khi đề cập tới thương vụ của Apple.

“Apple xứng đáng nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã có những hành động cụ thể. Điều này không chỉ có lợi cho đất nước và người lao động Mỹ, mà còn hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh tích cực cho chính họ,” vị quan chức nhấn mạnh thêm.

Kế hoạch đầu tư “khủng” 500 tỷ USD

Trước đó, Apple hồi đầu đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 500 tỷ USD trong 5 năm nhằm mở rộng năng lực sản xuất nội địa tại Mỹ, con số lớn chưa từng có trong lịch sử của tập đoàn này.

Theo đó, tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ cho biết sẽ chi 500 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng hoạt động tại Mỹ, bao gồm kế hoạch tuyển dụng 20.000 lao động mới và xây dựng cơ sở sản xuất máy chủ trí tuệ nhân tạo (AI).

Apple đang tìm cách gia cố vị thế bằng cách kiểm soát tốt hơn đầu vào sản xuất. (Ảnh: Getty Images)

Trong số các hạng mục đầu tư đáng chú ý có nhà máy sản xuất máy chủ tại Houston, dự kiến đi vào hoạt động năm 2026, cùng với một học viện đào tạo sản xuất tại Detroit. Ngoài ra, các trung tâm dữ liệu hiện có của Apple tại các bang Arizona, California, Iowa, Nevada, Bắc Carolina, Oregon và Washington cũng sẽ được mở rộng từ nguồn vốn này.

Động thái lần này đánh dấu bước tiếp theo trong chuỗi tuyên bố gây chú ý của Apple về việc đẩy mạnh đầu tư trong nước. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Apple từng cam kết đóng góp 350 tỷ USD và tạo ra 20.000 việc làm trong nước.

Việc Apple, một trong những doanh nghiệp toàn cầu hóa sâu sắc nhất, dần có xu thế “hướng nội” không chỉ mang ý nghĩa chiến lược mà còn mang tính biểu tượng. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt và các rủi ro chuỗi cung ứng tăng cao sau đại dịch, Apple đang tìm cách gia cố vị thế bằng cách kiểm soát tốt hơn đầu vào sản xuất, từ vật liệu thô như đất hiếm cho tới hệ thống máy chủ AI.

Áp lực chính sách từ Nhà Trắng

Động thái “hướng nội” của Apple không thể tách rời bối cảnh chính trị. Kể từ khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng tốc chương trình “America First” (Nước Mỹ trên hết) với các chính sách cứng rắn nhằm thúc đẩy các tập đoàn công nghệ quay trở lại sản xuất tại Mỹ.

Tổng thống Trump đe dạo buộc Apple phải trả 25% thuế cho những chiếc iPhone được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Trong vài tháng gần đây, Tổng thống Trump đã làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu bằng chính sách áp thuế chưa từng có tiền lệ. Không chỉ nhằm tăng thu ngân sách liên bang, Nhà Trắng kỳ vọng loạt thuế nhập khẩu mới sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hồi sinh ngành sản xuất nội địa, lĩnh vực đã suy yếu suốt nhiều thập kỷ qua ở Mỹ.

Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 5, Tổng thống Trump đe dạo buộc Apple phải trả 25% thuế cho những chiếc iPhone được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump không chỉ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước mà còn sử dụng các biện pháp ưu đãi tài chính như ưu đãi thuế, trợ cấp liên bang, ưu tiên hợp đồng quốc phòng, để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp trong nước.

Không chỉ riêng Apple, các tập đoàn lớn khác như Intel, TSMC, Microsoft, Nvidia và Amazon cũng đã công bố những khoản đầu tư hàng chục tỷ USD vào sản xuất bán dẫn, trung tâm dữ liệu và AI tại Mỹ trong năm 2025.

TheoHải Đăng (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global