VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 02/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợp'Tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào FDI là thông tin sai và lạc hậu'

'Tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào FDI là thông tin sai và lạc hậu'

02:22:00 PM GMT+7Thứ 7, 15/02/2025

Trong những năm qua, chúng ta thường tiếp cận với thông tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ đóng góp rất ít, thậm chí chỉ chiếm 10% GDP. Tuy nhiên, thông tin này không chính xác và đã trở nên lạc hậu, theo chia sẻ của doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT tập đoàn FPT.

Để chứng minh cho nhận định này, doanh nhân Đỗ Cao Bảo đưa ra 4 dữ liệu từ Niên giám Thống kê 2023 của Tổng cục Thống kê, phát hành tháng 12/2024, cung cấp cái nhìn rõ ràng về sự đóng góp của từng khối doanh nghiệp trong nền kinh tế:

Về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh, khu vực doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu với 735.500 doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp FDI có 22.930 doanh nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước chỉ có 1.861 doanh nghiệp.

Về doanh thu năm 2022, doanh nghiệp tư nhân đạt 20,68 triệu tỷ đồng, chiếm 57,5% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam, với tỷ lệ tăng trưởng là 17,6%. Doanh thu của doanh nghiệp FDI là 10,98 triệu tỷ đồng, chiếm 30,52%, với mức tăng trưởng 16,1%, còn doanh nghiệp Nhà nước đạt 4,31 triệu tỷ đồng, chiếm 11%, với mức tăng trưởng là 27,5%.

Trong tổng thu nhập năm 2022 của người lao động, khu vực tư nhân đóng góp 1.073.113 tỷ đồng, chiếm 51,89% tổng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế, vượt qua cả doanh nghiệp FDI (chiếm 38,22% với 790.431 tỷ đồng) và doanh nghiệp Nhà nước (chiếm 9,88% với 204.340 tỷ đồng).

Cuối cùng, về đóng góp vào GDP quốc gia theo giá hiện hành năm 2023, khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm 50,46%, với 4,82 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 29,46% và hộ gia đình đóng góp 21%. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 20,54% với 1,96 triệu tỷ đồng và doanh nghiệp FDI đóng góp 20,46% với 1,95 triệu tỷ đồng.

(Số liệu GDP là năm 2023, số liệu về số doanh nghiệp, doanh thu, tổng thu nhập, hiệu suất là năm 2022, lý do là phải cuối năm 2024 mới thống kê xong số liệu của doanh nghiệp năm 2022).

Những con số này cho thấy rõ ràng sự vượt trội của doanh nghiệp tư nhân trong việc đóng góp vào GDP của đất nước.

Thêm vào đó, các chỉ số về tăng trưởng doanh thu, hiệu suất sinh lời trên vốn và hiệu suất sử dụng lao động bình quân của doanh nghiệp tư nhân cũng đều vượt trội so với doanh nghiệp FDI. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân không chỉ phát triển mạnh về quy mô mà còn đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng nguồn lực và tối ưu hóa lợi nhuận.

Xét về thu nhập trung bình theo tháng của người lao động, doanh nghiệp FDI có phần vượt so với doanh nghiệp tư nhân, với mức thu nhập trung bình là 12,64 triệu đồng/tháng, trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 10,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ số này của doanh nghiệp FDI lại cách xa doanh nghiệp Nhà nước, nơi người lao động có thu nhập trung bình 16,93 triệu đồng/tháng, chuyên gia Đỗ Cao Bảo chỉ ra.

Sự chênh lệch rõ ràng giữa số lượng doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp FDI cho thấy sức mạnh vượt trội của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Không thể phủ nhận rằng doanh nghiệp tư nhân đang là trụ cột trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra cơ hội việc làm và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung.

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước. Thủ tướng tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị cũng chỉ ra, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn trong nghiên cứu về phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, cũng đã chỉ ra rằng trong hơn 3 thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất, từ chỗ chủ yếu chỉ có các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, đến việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân theo đúng nghĩa.

TheoHoàng Minh (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global