Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP

Thứ năm, 20-11-2019 | 16:16:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: 1) Công ty CP đầu tư phát triển BĐS Bình An (09 Nguyễn Khoái, P.1, Q.4, Tp.Hồ Chí Minh); 2) Công ty CP đầu tư và thương mại Nhà Rồng (34-35 Bến Vân Đồn, P.12, Q.4, Tp.Hồ Chí Minh); 3) Công ty CP đầu tư RC12 (39-39B Bến Vân Đồn, P.12, Q.4, Tp.Hồ Chí Minh) ")

Công văn: 2716/ PTM - KHTH, Ngày: 15/11/2019

Nội dung kiến nghị:

"Công ty CP đầu tư phát triển BĐS Bình An, Công ty CP đầu tư và thương mại Nhà Rồng và Công ty CP đầu tư RC12 kiến nghị chỉnh sửa Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về vấn đề liên quan đến chi phí lãi vay bị khống chế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Các công ty trên là doanh nghiệp có quan hệ liên kết và có giao dịch liên kết theo quy định tại Khoản 3 Điều 4, Khoản 1, Khoản 2 của Điều 5 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Theo trình bày, các công ty đang gặp khó khăn và thiệt hại đối với vấn đề chi phí lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù.

Trích Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP: ""Điều 8. Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù

......

  1. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.""

Trong kiến nghị, Công ty CP đầu tư phát triển BĐS Bình An, Công ty CP đầu tư và thương mại Nhà Rồng và Công ty CP đầu tư RC12 nêu ra những khó khăn và thiệt hại cụ thể như sau:

1) Công ty CP đầu tư và phát triển BĐS Binh An: Trong năm 2017, Công ty Bình An huy động vốn từ bên độc lập là Tổ chức tín dụng. Đồng thời Công ty có các giao dịch với Công ty mẹ có tỷ lệ sở hữu lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của Công ty. Do Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty chỉ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ của Công ty, nên Công ty bị loại trừ 86.135.110.560 VNĐ chi phí lãi vay phát sinh từ khoản huy động vốn từ bên độc lập là Tổ chức tín dụng. Điều này làm cho Công ty phát sinh tăng lợi nhuận ảo và dẫn đến số thuế TNDN của Công ty bị điều chỉnh tăng và phải nộp theo lợi nhuận ảo là 17.227.022.112 VNĐ.

Công ty Bình An cho rằng, tuy có giao dịch với Công ty mẹ (năm 2017) nhưng Công ty không có động cơ chuyển giá khi cả Công ty và Công ty mẹ đều có chung một mức thuế suất thuế TNDN. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của Công ty pháp sinh từ khoản huy động vốn của bên độc lập là Tổ chức tín dụng bị loại trừ theo quy định của Nghị định là không hợp lý...

2) Công ty CP đầu tư và thương mại Nhà Rồng: Từ tháng 5/2017 đến 12/2017, Công ty Nhà Rồng có giao dịch bên liên kết và phát sinh chi phí lãi vay từ khoản vay bên độc lập số tiền là 10.302.107.111 VNĐ. Trong năm 2017, Công ty có chỉ số EBITDA là 206.952.248 VNĐ nên chi phí lãi vay của Công ty không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN là 10.260.716.661 VNĐ (do vượt 20% EBITDA trong kỳ). Chi phí lãi vay không được trừ làm giảm lỗ được kết chuyển sang kỳ tính thuế 2018 tương ứng là 10.260.716.661 VNĐ. Do đó làm tăng lợi nhuận trước thuế ảo so với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của Công ty và làm tăng số thuế TNDN phải nộp năm 2018 so với thực tế là 2.052.143.332 VNĐ.

Theo Công ty, mục tiêu hướng đến ban đầu khi ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP là nhằm hạn chế việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định áp dụng đối với Công ty là không hợp lý vì Công ty với các công ty giao dịch có chung một mức thuế suất thuế TNDN nên không có động cơ chuyển giá...

3) Công ty CP đầu tư RC12: Công ty RC12 từ tháng 5/2017 đến 12/2017 có phát sinh chi phí lãi vay từ khoản vay của Công ty mẹ và của doanh nghiệp khác tổng cộng là 5.818.111.637 VNĐ. Do chỉ số EBITDA nhỏ hơn 0 nên toàn bộ chi phí lãi vay của Công ty không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Công ty cho rằng, áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ-CP làm phát sinh việc đánh thuế trùng đối với cùng một giao dịch kinh doanh - lãi tiền vay cho các công ty giao dịch có chung một mức thuế suất thuế TNDN (bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, bên đi vay phải nộp thuế đối với phần chi phí tiền vay vượt mức khống chế)...


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính

Công văn: 407/TB - VPCP, Ngày: 29/11/2019

Nội dung trả lời:

Bộ Tài chính:

a) Tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện Báo cáo về việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 20, tập trung vào các nội dung tại khoản 3 Điều 8: tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, theo trình tự thủ tục rút gon theo đúng quy đinh của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chinh phủ thường kỳ tháng 11 năm 2019.

b) Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của doanh nghiệp có quan hệ liên kết theo đúng tiến độ được giao tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Ý kiến bạn đọc (0)