VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 18/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpPhó Thủ tướng chỉ đạo xử lý góp ý của VAFIE về sửa đổi Nghị định về an toàn thực phẩm

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý góp ý của VAFIE về sửa đổi Nghị định về an toàn thực phẩm

11:06:00 AM GMT+7Thứ 6, 28/03/2025

Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý góp ý của VAFIE về sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hoả tốc gửi đến Bộ trưởng Y tế về việc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) góp ý sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm.

Theo văn bản này, ngày 3/3/2025, VAFIE gửi văn bản đến Thủ tướng góp ý sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Về việc này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý góp ý của VAFIE về sửa đổi nghị định trên theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý góp ý của VAFIE về sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Trước đó, nội dung văn bản của VAFIE gửi đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế nêu, trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương quan trọng như cơ cấu lại bộ máy nhà nước, tổ chức xã hội, tinh giản biên chế hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp, giảm thiểu thủ tục hành chính để khai thác tiềm năng, lợi thế của đất nước hướng tới mục tiêu tốc độ phát triển kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Ngày 24/2/2025, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ thị, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam nằm trong top 3 của ASEAN.

Ngày 11/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, "tháo gỡ những điểm nghẽn", "từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”" loại bỏ ngay theo thẩm quyền những TTHC đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Đồng thời công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một thành tựu cải cách TTHC, tiết kiệm hàng triệu ngày công và hơn 3.000 tỷ đồng/năm.

Thực tiễn 5 năm triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho thấy, ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng với tốc độ cao ngay cả trong đại dịch, đóng góp khoảng 15% vào GDP; 0.38 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2021; 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2022 (báo cáo của CIEM), đảm bảo an toàn thực phẩm do thực phẩm bao gói sẵn là nhóm ít nguy cơ về an toàn thực phẩm nhất.

Tuy nhiên, theo VAFIE, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến ngày 19/2/2025 thời hạn lấy ý kiến chỉ trong 10 ngày, chứa đựng nhiều nội dung trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quan ngại vì dự thảo chỉ lấy ý kiến trong 10 ngày (từ 19/2/2025) theo quy trình rút gọn, trong khi đang có rất nhiều điểm bất cập, gây thêm điểm nghẽn mới cho sản xuất - kinh doanh, làm tăng thêm TTHC, tăng chi phí và làm mất thời gian của doanh nghiệp.

Cụ thể, VAFIE cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã tăng thêm số lượng hồ sơ và thời gian cho 3 nhóm thủ tục hành chính gồm: Tự công bố sản phẩm, làm tăng thêm là 13 TTHC và làm phiền hà hơn 27 TTHC. Đăng ký bản công bố và đăng ký lại bản công bố có thể tăng hơn 7.230 tỷ đồng/năm cho sản phẩm tự công bố và 1.616 tỷ đồng/năm cho đăng ký bản công bố.

Tiếp đó, một số quy định như thực phẩm bổ sung "không được công bố công dụng của các thành phần": không phù hợp Codex; thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra thị trường là thực phẩm "có chứa chất lần đầu được sử dụng làm thực phẩm tại Việt Nam". Như vậy, thực phẩm chế biến từ quả chery, quả kiwi, do Việt nam không trồng được cũng sẽ bị coi là thực phẩm mới. Quy định chuyển tiếp buộc các sản phẩm đã đăng ký cũng phải bổ sung hồ sơ theo dự thảo sẽ khiến cho hàng trăm ngàn sản phẩm phải tự công bố đăng ký bản công bố lại, và nhiều quy định bất hợp lý khác.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng thiếu những quy định đối với an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, thực phẩm tươi sống, bếp ăn tập thể (nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm). Dự thảo chỉ tăng thủ tục hành chính với thực phẩm bao gói sẵn (hầu như không gây ngộ độc thực phẩm).

Đồng thời, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm sản phẩm trên thị trường, áp dụng quản lý rủi ro. Thủ tục đăng ký, công bố thực phẩm phải được thực hiện trên môi trường điện tử.

Cùng với đó, thủ tục đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện do Cục An toàn thực phẩm thực hiện. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy phần lớn thủ tục hành chính này bị chậm trễ; do đó cần phân cấp, phân quyền cho chính quyền tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục này.

Qua đó, VAFIE kiến nghị Bộ Y tế cần nghiên cứu ý kiến phản biện của VAFIE và các Hiệp hội nghề nghiệp để chỉnh sửa Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ theo hướng không làm phức tạp các thủ tục hành chính, gây ra điểm nghẽn mới đối với sản xuất và kinh doanh.

"Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 10/2025. Để tránh mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm trước, sau đó mới tiến hành sửa đổi Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm", VAFIE nêu ý kiến.

VAFIE kiến nghị Ban Soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ và các đại diện các Hiệp hội, một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trực tiếp trao đổi ý kiến để hoàn thiện Nghị định (sửa đổi) trình Thủ tướng ký ban hành.

TheoQuang Tuyền (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global