Hỗ trợ thiết thực cho tiểu thương
Ngày 14/6/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã chính thức công bố và phát động Chương trình Chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống, một sáng kiến quan trọng trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt 2025. Đây là một trong những chương trình có quy mô toàn quốc, được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho quá trình hiện đại hóa mô hình kinh doanh truyền thống trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển nhanh chóng.
Sự kiện có sự hiện diện của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương như Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng; Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng và đại diện Cục Thuế, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thanh toán, Báo Tuổi Trẻ…

Nghi thức bấm nút phát động công bố Chương trình Chuyển đổi số chợ truyền thống và tiểu thương. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Chương trình sẽ tập trung vào bốn nhóm hoạt động chính: Đào tạo kỹ năng công nghệ và thương mại điện tử cho tiểu thương; Cung cấp các giải pháp số tiên tiến, dễ sử dụng và được hỗ trợ chi phí; Tổ chức các phiên chợ chuyển đổi số nhằm trình diễn công nghệ mới; Xây dựng cộng đồng tiểu thương số nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc thực tiễn.
Một điểm nhấn quan trọng của chương trình là cuốn “Sổ tay chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống” được công bố tại địa chỉ: https://sotay.tieuthuongvietnam.vn. Đây sẽ là tài liệu hướng dẫn thực tiễn, liên tục được cập nhật nhằm đồng hành cùng bà con trong hành trình số hóa.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh phát biểu tại chương trình. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định 1568/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, đặt ra mục tiêu “Đến năm 2030, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 80%”. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng công nghệ lõi và đảm bảo an toàn, bảo mật, chúng ta cần tập trung phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hỗ trợ thương mại điện tử, tăng cường kết nối, tích hợp hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với hạ tầng của các đơn vị chấp nhận thanh toán.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động như QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử và các loại hình thanh toán tương tự khác trong các giao dịch thương mại điện tử.
Một trong những giải pháp cụ thể, có tính thực tiễn mà Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đẩy mạnh, đó là ứng dụng thanh toán số trong Chương trình Chuyển đổi số chợ truyền thống. Giải pháp này sẽ góp phần cân bằng hài hòa sự phát triển thương mại điện tử và kinh tế số giữa các địa phương và thành phố lớn.
Chợ truyền thống và tiểu thương là huyết mạch của kinh tế địa phương, cung cấp đa dạng các mặt hàng tươi sống, đặc sản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Bước đầu tham gia thanh toán số không chỉ cung cấp cho tiểu thương sự tiện lợi, giảm chi phí mà còn là bước đệm quan trọng giúp tiểu thương tham gia thương mại điện tử. Thị trường này sẽ mở ra kênh bán hàng mới, mở rộng thị trường vượt ra ngoài giới hạn vật lý của chợ và cửa hàng truyền thống, giúp tiểu thương hiện đại hóa hoạt động, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua hoạt động này, nhận thức và kỹ năng của người dân, người bán hàng về thanh toán số cũng được nâng cao, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Thu hẹp khoảng cách kinh tế
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, chuyển đổi số là một trong những ưu tiên chiến lược của ngành thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam. Với định hướng đó, chương trình cần tập trung vào giải pháp thiết thực: giúp tiểu thương hiện đại hóa quản lý, cải thiện năng lực kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua ứng dụng công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, chuyển đổi số là một trong những ưu tiên chiến lược của ngành thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Thứ trưởng nhấn mạnh, song song với đào tạo kỹ năng, các tiểu thương cần hiểu được tác động sâu rộng của công nghệ đến hoạt động kinh doanh truyền thống. Công nghệ không chỉ giúp họ tăng năng suất, mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những mặt hàng đặc sản địa phương vốn khó tiếp cận thị trường ngoài.
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng, để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững, cần phát triển các nền tảng thương mại điện tử quốc gia, kết nối hạ tầng thanh toán, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho tiểu thương. Các hình thức thanh toán hiện đại như ví điện tử, QR Code, thanh toán qua thiết bị di động cần được phổ cập để giảm chi phí giao dịch và tăng hiệu quả vận hành.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao phối hợp với địa phương và các đối tác công nghệ, xây dựng hệ sinh thái số tại chợ truyền thống, nhất là tại các khu vực còn thiếu hạ tầng công nghệ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực tổng lực từ cả cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Sự kiện còn có hoạt động tham quan mô hình “Sắc màu chợ truyền thống Nam Bộ” - một hình ảnh tiêu biểu cho nỗ lực gìn giữ bản sắc trong tiến trình số hóa.
Đáng chú ý, với sự đồng hành từ các doanh nghiệp công nghệ như TikTok Việt Nam, một phiên livestream đặc biệt với chủ đề “Chuyển đổi số Chợ Việt” đã diễn ra trong hai ngày 14 và 15/6 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Các nhà sáng tạo nội dung như Thiện Nhân, Phương Oanh Daily và Đan Chi đã mang hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước, đánh dấu một bước tiến thực tiễn trong việc hiện thực hóa chuyển đổi số cho chợ truyền thống.

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thanh toán, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cùng tham quan gian hàng “Sắc màu chợ truyền thống Nam Bộ” của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Ngoài ra, chương trình còn mang đến nhiều gói hỗ trợ thiết thực từ các đơn vị uy tín như: Haravan (miễn phí 3 tháng giải pháp Omnichannel và HaraSocial, tặng thêm 50% thời gian khi đăng ký từ 1 năm), Mắt Bão (miễn phí 5.000 hóa đơn điện tử), Vihat (gói khám Zalo OA, tư vấn 1:1 và khóa học chuyên sâu trị giá 10 triệu đồng), ONEADS (gói marketing tổng thể chỉ từ 12 triệu đồng/tháng), Lemon Digital (chương trình “Quay là trúng - Lên sàn cùng Lemon” với voucher đến 10 triệu đồng) và Ecom Studio (ưu đãi đến 20% dịch vụ livestream, media chuyên nghiệp). Những hỗ trợ này giúp tiểu thương nâng cao hiệu quả kinh doanh, kết nối thanh toán số và mở rộng marketing đa kênh trong nền kinh tế số.
Với sự đồng hành của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức tài chính, tiểu thương sẽ có thêm công cụ, kiến thức và động lực để hiện đại hóa mô hình kinh doanh, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế số, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và phát triển bền vững trong tương lai.