VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 12/10/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpGiảm chi phí không chính thức, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân hoạt động

Giảm chi phí không chính thức, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân hoạt động

02:10:00 PM GMT+7Thứ 2, 09/09/2024

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân hoạt động.

Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực

Theo kết quả báo cáo thống kê kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024 tiếp tục được các chuyên gia kinh tế đánh giá tích cực. Đáng chú ý, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 511,11 tỷ USD, tăng 16,7%.

Ảnh Khắc Trí
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân hoạt động (Ảnh: Khắc Trí)

8 tháng năm 2024, cả nước cũng ghi nhận có gần 110,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 994,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 672,4 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, tăng 0,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, có hơn 57,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2024 lên gần 168,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020-2024.

Từ kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2024 lên từ 6,5-7%, thay cho mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% đã đề ra trước đó.

Nhận định về cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng 7%, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: GDP quý II ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tương đối tích cực, qua đó khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số PMI những tháng gần đây có sự cải thiện, tháng 8/2024 đạt 52,4 điểm, giảm nhẹ so với mức 54,7 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn ghi nhận mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh. Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024 triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan.

Giảm chi phí không chính thức, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân hoạt động
Việt Nam cần tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, nhằm tăng sự đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Đức Chung)

Cần hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển

Mặc dù bức tranh kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm Việt Nam vẫn có 135,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân một tháng vẫn có 16,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Mặc dù đã có dấu hiệu tích cực, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn xấp xỉ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, điều đó chính tỏ cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ.

Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2024, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Việt Nam cần tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, nhằm tăng sự đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế.

“Tuy nhiên muốn làm được điều đó cần sự nỗ lực nghiêm túc của các cấp chính quyền, địa phương và các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh chuyển đổi sang kinh tế số, chính phủ điện tử và cải cách thể chế. Cùng với đó, cắt giảm các thủ tục hành chính, chi phí ngoài pháp luật để tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả hơn” – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, PGS, TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có nhiều cơ hội để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024 như mục tiêu điều chỉnh của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một bối cảnh rất khó đoán định, rất nhiều thay đổi và thay đổi nhanh. Những thay đổi này có thể làm đứt gãy rất nhanh chuỗi cung ứng, theo đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Theo đó, từ nay đến cuối năm Việt Nam vẫn cần cảnh giác để có những ứng phó, thận trọng trong chính sách, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế.

Cũng theo ông Bùi Quang Tuấn, bên cạnh những động lực tăng trưởng cũ, từ nay đến cuối năm Việt Nam vẫn nên chú trọng khai thác những động lực mới, dựa vào những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế hoặc khuyến khích phát triển như: Chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm hay những động lực tăng trưởng liên quan đến chuyển đổi xanh, kinh tế xanh…

Tuy nhiên, muốn khai thác được những lĩnh vực mới, ông Bùi Quang Tuấn đề xuất: Việt Nam cần có những chính sách đột phá để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khu vực tư nhân, khu vực ngoài nhà nước tham gia. Đơn cử như lĩnh vực tài chính xanh hiện chưa thu hút được nhiều khu vực tư nhân, vì chuyển đổi xanh là một quá trình chuyển đổi bao trùm, rộng rãi trên rất nhiều khía cạnh, cần sự chung tay của khu vực tư nhân. Nhưng muốn khu vực tư nhân tham gia, nhà nước cần có thêm cơ chế để thu hút sự quan tâm của họ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024 triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố.
TheoNguyễn Hòa (Báo Công Thương)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global