Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
EVN đang tập trung các giải pháp tối ưu chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết để bớt gánh nặng tài chính. Trong ảnh: Sửa chữa đường dây 500kV Bắc - Nam. Ảnh: H.L
Niềm tin của Thủ tướng
Các doanh nghiệp nhà nước phải có các dự án mang tính đột phá, “không thể bình bình”. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển, được tổ chức vào trung tuần tháng 9/2023.
Trước khi đặt yêu cầu trên, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến nguồn lực 3,8 triệu tỷ đồng tổng tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng cũng nhắc đến vai trò dẫn dắt, tiên phong trong nhiều ngành, lĩnh vực; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi… “Tôi tin là các đồng chí làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có lẽ người đứng đầu Chính phủ đã cảm nhận sự sốt ruột cũng như mong muốn của chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong từng bài phát biểu hôm đó khi nhìn vào những cơ hội mới đang mở ra.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đặt nhiều kỳ vọng vào cơ hội phối hợp với đối tác Hoa Kỳ để tiếp cận công nghệ hàng đầu, nhất là công nghệ cao, công nghệ số sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Ông cũng nhắc tới Thoả thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn vừa được ký kết với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. “Viettel rất muốn được tham gia”, ông Thắng nói.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết, từ nay đến cuối năm, Tập đoàn đảm bảo cung ứng điện, đang tập trung các giải pháp tối ưu chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết để bớt gánh nặng tài chính. Năm nay, EVN đầu tư hơn 94.860 tỷ đồng, đây là một trong những khối lượng lớn nhất so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng lãnh đạo EVN thẳng thắn thừa nhận vẫn thấp so với những năm trước.
“EVN đang cố gắng tăng tốc giải ngân trong những tháng cuối năm và từ nay đến tháng 10, sẽ lần lượt khởi công hầu hết các gói đầu tư đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt”, ông An nói.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giải ngân đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng (bằng 49% kế hoạch năm), tăng 22% so với 7 tháng đầu năm 2023. Một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án LNG Thị Vải, chuỗi dự án Lô B, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Trách nhiệm “sếu đầu đàn”
Cũng phải thẳng thắn, sự chậm trễ trong hoạt động đầu tư - kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lý do khách quan. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 còn rất chậm.
Đến nay, mới có Viettel được phê duyệt chiến lược và kế hoạch sản xuất - kinh doanh; 18 tập đoàn, tổng công ty còn lại đang chờ. Về đề án cơ cấu lại, mới có 4 doanh nghiệp trực được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Chiến lược, kế hoạch và đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty còn lại chủ yếu vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa được phê duyệt. Các doanh nghiệp đang rất sốt ruột vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của cả giai đoạn.
Trong các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyết các kế hoạch, chiến lược nêu trên được đặt lên hàng đầu, trong đó tập trung vào các dự án đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa tới sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Tuy nhiên, ở góc độ chủ quan, các “sếu đầu đàn” đang đối mặt với những nhiệm vụ lớn chưa làm được. Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề này được chỉ ra rõ ràng. Đó là, các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, nhưng các tập đoàn, tổng công ty hầu như chưa có các dự án đầu tư quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, bóng dáng của các doanh nghiệp nhà nước chưa rõ nét trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...), thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ 4.0…
Tuy nhiên, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách cũng rất lớn, đang làm khó không chỉ các doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Tào Đức Thắng đề nghị được làm việc với Thủ tướng Chính phủ dày hơn. “Từ lần gặp trước đến cuộc gặp này là 1,5 năm. Chúng tôi mong có các cuộc gặp dày hơn, cơ chế làm việc gọn hơn, để giải quyết các vấn đề nhanh hơn”, ông Thắng đề xuất.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Trong bối cảnh hiện tại, các chính sách, cơ chế vượt trội, đặc thù để phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội có thể là giải pháp cấp bách.