Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cách xác định tuổi thọ công trình xây dựng

Thứ bẩy, 25-06-2016 | 21:43:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Tuổi thọ công trình xây dựng được xác định trên cơ sở độ bền vững của công trình. Tuổi thọ công trình xây dựng do chủ đầu tư quyết định khi xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình.

Bộ Xây dựng hướng dẫn Ngân hàng Chính sách xã hội về việc xác định tuổi thọ từng loại công trình mà người vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở như sau:

Theo quy định tại Mục 1.5.21 của QCVN 03:2012/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị thì tuổi thọ công trình là “khả năng của công trình xây dựng bảo đảm các tính chất cơ lý và các tính chất khác được thiết lập trong thiết kế và bảo đảm điều kiện sử dụng bình thường trong suốt thời gian khai thác vận hành”.

Tuổi thọ công trình xây dựng được xác định trên cơ sở độ bền vững của công trình quy định tại Mục 2.2.1.8 của QCVN 03:2012/BXD, cụ thể:

- Bậc I:  Niên hạn sử dụng trên 100  năm.

- Bậc II: Niên hạn sử dụng từ 50 năm đến 100 năm.

- Bậc III: Niên hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm.

- Bậc IV: Niên hạn sử dụng dưới 20 năm.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 80; Điểm b, Khoản 2, Điều 85 Luật Xây dựng, Khoản 15, Điều 3 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì tuổi thọ công trình do chủ đầu tư quyết định khi xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình.

Về tuổi thọ công trình nhà ở xã hội

Tại Điều 55 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 quy định, nhà ở xã hội là nhà chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải được thiết kế, xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích của nhà ở xã hội.

Như vậy, đối với mỗi dự án nhà ở xã hội cụ thể (bao gồm dự án chung cư hoặc dự án nhà ở liền kề thấp tầng) thì tuổi thọ của công trình đã được xác định trong dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.  

Đối với nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình, theo số liệu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm năm 2014 của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng nhà ở thiếu kiên cố, nhà đơn sơ tại khu vực đô thị trên cả nước chỉ khoảng 3,5%, riêng tại TP. Hà Nội là khoảng 0,1% và TP. Hồ Chí Minh là khoảng 1% và tỷ trọng này có xu hướng tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Như vậy, thực tế nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình tại khu vực đô thị chủ yếu là nhà ở kiên cố và bán kiên cố.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)