Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 1/2019

Thứ ba, 16-04-2019 | 16:23:00 PM GMT+7 Bản in

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0742/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 1/2019

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2019

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng quý 1/2019, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong quý 1/2019

Trong quý 1/2019, VCCI thống kê có 108 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và  hiệp hội doanh nghiệp . Tình hình giải quyết kiến nghị tính đến 31/3/2019 cụ thể như sau:

Tháng

Số kiến nghị đã tiếp nhận

Số kiến nghị đã giải quyết

Số kiến nghị chưa giải quyết

Ghi chú

1/2019

35

24

11

 

2/2019

48

36

12

 

3/2019

25

4

21

Chi tiết tại Phụ lục 1 và 2 gửi kèm theo báo cáo

Tổng số

108

64 (đạt 59,3%)

44 ( đạt 40,7%)

 

Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý 1/2019 bao gồm: Bộ Tài chính: 27 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 18 kiến nghị; Bộ Xây dựng; 12 kiến nghị; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 9 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 7 kiến nghị; Bộ Công Thương: 7 kiến nghị; Bộ Y tế: 5 kiến nghị; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đều nhận được 2 kiến nghị. Riêng nhóm 10 bộ này nhận được 91 kiến nghị, chiếm 84,2% tổng số kiến nghị trong quý 1/2019. Một số bộ, ngành, địa phương khác cũng nhận được kiến nghị của doanh nghiệp như: Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Ngãi, An Giang, Đà Nẵng, Bắc Giang…

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của doanh nghiệp với nội dung chủ yếu đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật trong các vấn đề: góp ý sửa đổi Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017; chính sách hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách thuế GTGT đối với dịch vụ tư vấn dự án công nghệ thông tin… Ngoài ra, doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính thuế, hải quan gồm: vướng mắc trong việc phải chuyển đổi kê khai thuế GTGT sang phương pháp trực tiếp do nộp chậm thông báo mẫu 06/GTGT; cách viết hóa đơn GTGT cho nhà đầu tư thuê lại đất; nghĩa vụ kê khai thuế của địa điểm kinh doanh; vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh của công ty; vướng mắc trong quá trính thẩm tra chi phí hạng mục chung thuộc gói thầu xây lắp; chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp; giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu; chính sách thuế thu nhập cá nhân khi thuê cá nhân kinh doanh làm người lao động; thủ tục khi bênh viện trả lại hàng; chính sách hoàn thuế đối với mặt hàng cao su tự nhiên; phân loại mã HS cho mặt hàng máy xới đất của Trung Quốc…

Doanh nghiệp cũng phản ánh một số vụ việc chậm giải quyết, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh như: Công ty TNHH Dòng Sông Mới phản ánh Cục Hải quan Hải Phòng chậm trả kết quả phân tích phân loại; công ty TNHH VNIS Việt Nam phản ánh Chi cục Thuế quận 1, TP Hồ Chí Minh gây phiền hà cho công ty khi thực hiện hay đổi địa chỉ kinh doanh của chi nhánh, kéo dài từ từ tháng 12/2018 đến nay chưa giải quyết; Công ty TNHH mỏ Nikel Bản Phúc gửi Đơn Khiếu nại lần 2 khiếu nại và phản đối với Quyết định số 1782/ QĐ- HQHN ngày 26/11/2018 về việc ấn định thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu của công ty. Khiếu nại lần 1 gửi từ tháng 12/2018 nhưng đến nay chưa được trả lời.

Đặc biệt có 1 kiến nghị về chính sách áp dụng ưu đãi đầu tư đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của Công ty TNHH Denso Việt Nam. Theo quan điểm của công ty, cơ quan thuế đã không cho công ty được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển mà nhẽ ra công ty được hưởng theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 hiệu lực từ 1/1/2015 sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế (Luật số 71). Việc này gây mất niềm tin của nhà đầu tư với chính sách ưu đãi của Nhà nước và gây ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ yếu nhận được kiến nghị của doanh nghiệp, đề nghị hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trong đó có đa số là đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu đối với các nội dung: chứng thư số tham gia dự thầu của liên danh; trách nhiệm đánh giá đối với hồ sơ dự thầu; ủy quyền trong hoạt động đấu thầu; hướng dẫn thực hiện gói thầu; hướng dẫn việc chỉ định thầu rút gọn; hướng dẫn việc đánh giá hồ sơ dự thầu; chuyển đổi công việc thực hiện trong liên danh sau khi trúng thầu; hướng dẫn việc đóng tiền ghi đơn giá và biến động tỷ giá trong hợp đồng đơn giá điều chỉnh.

Một số nội dung doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện khác gồm: vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đấu tư năm 2014; bổ sung ngành nghề đối với doanh nghiệp không nằm trong cam kết WTO; vướng mắc khi thực hiện việc nộp bổ sung ngành nghề kinh doanh; hướng dẫn chuyển nhượng một phần vốn góp cho cá nhân nước ngoài; vướng mắc về thủ tục đăng ký nhà đầu tư đối với dự án xây dựng mới Trung tâm Logistics ICD tại Hà Nội…

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong quý 1/2019 có nhiều góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia với dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Các nội dung góp ý bao gồm: danh mục mới với số ít ngành nghề hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; cải tổ doanh nghiệp nhà nước; thiết chế pháp lý đối với hộ kinh doanh cá thế; đại hội đồng cổ đông; cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát trong doanh nghiệp….

- Các kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về các nội dung: cấp chứng chỉ năng lực hoạt động và giấy phép hoạt động đối với công tác khảo sát địa hình, đo đạc công trình; việc tính chi phí tư vấn thiết kế đối với công trình thủy lợi; hướng dẫn lập hồ sơ quy hoạch chi tiết dự án đầu tư, xây dựng; điều chỉnh hợp đồng trọn gói trong trường hợp bất khả kháng; quyết toán giá trị dự phòng trong hợp đồng trọn gói; điều chỉnh gia hạn hợp đồng xây dựng theo định mức 1172; thủ tục điều chỉnh công trình; sử dụng chũ ký điện tử, chữ ký số trong bản vẽ thiết kế xây dựng; xác định diện tích ghi vào vào giấy chứng nhận cho căn hộ chung cư tái định cư; hướng dẫn công tác quản lý dự án đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án có vốn từ ngân sách nhà nước.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được các kiến nghị từ các doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về những nội dung gồm: cách tính lương theo ngày công thực tế; chuyển địa bàn làm việc của người lao động và quy trình sa thải; trả bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp cho người lao động trong thời gian thai sản; cấp thẻ an toàn lao động trong doanh nghiệp tư nhân; xử lý vi phạm hoạt động của doanh nghiệp theo Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm; xử lý kỷ luật đối với người lao động; đóng bảo hiểm lao động cho người lao động nước ngoài; xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; áp dụng hình thức di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp…

- Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ TNMT nhận được các nội dung kiến nghị gồm: hướng dẫn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất thương mại, dịch vụ sang đất ở; vướng mắc khi thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; đề nghị hướng dẫn lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất; hướng dẫn quy định của pháp luật đối với việc cho thuê nhà xưởng trên đất được giao thu tiền hàng năm; cách tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc; thẩm quyền công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất.

Đặc biệt, có kiến nghị của công ty Hiệp Thành về việc UBND tỉnh Cà Mau chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đối với nhà ở và đất ở tại số 18 đường Ngô Quyền, phường 2, thành phố Cà Mau cho người trúng đấu giá từ năm 2013. Công ty đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND tỉnh Cà Mau và gửi đến các bộ, ngành trung ương giải quyết dứt điểm. Văn phòng Chính phủ cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh Cà Mau giải quyết dứt điểm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết với lý do UBND tỉnh Cà Mau đã xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhưng chưa được Bộ trả lời nên chưa giải quyết dứt điểm được.

- Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: Đề nghị hướng dẫn vốn cần thiết theo quy định của pháp luật đối với hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh đối với dịch vụ cho thuê loại máy móc, máy đo PIM có mã HS là 9030; thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài; hướng dẫn về quyền phân phối sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giấy phép bán lẻ với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chứng nhận hợp quy sản phẩm dệt may theo Thông tư 21/2017/TT-BCT …

Đặc biệt có kiến nghị của Công ty cổ phần thể dục thể thao Việt Nam phản ánh Công ty Điện lực Đống Đa ký hợp đồng mua bán điện với công ty Delicious (đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 22/2015/HĐ-HTKD để cùng nhau liên doanh hợp tác kinh doanh mặt bằng tại số 4B Hàng Cháo – thuộc quyền sở hữu hợp tác của Công ty cổ phần thể dục thể thao Việt Nam) để cung cấp điện ba pha cho công ty Delicious sản xuất kinh doanh tại địa điểm số 4B Hàng Cháo khi không thông báo và không được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp là công ty cổ phần thể dục thể thao Việt Nam. Sau khi công ty cổ phần thể dục thể thao Việt Nam nhiều lần làm việc trực tiếp và gửi văn bản kiến nghị với công ty điện lực Đống Đa, Tổng công ty điện lực Hà Nội nhưng không được giải quyết đã phải gửi kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ. Cho đến nay, Văn phòng Chính phủ đã hai lần có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị chỉ đạo giải quyết kiến nghị doanh nghiệp nhưng Công ty cổ phần thể dục thể thao Việt Nam vẫn chưa nhận được kết quả trả lời, vụ việc hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

- Lĩnh vực y tế nhận được một số kiến nghị với các nội dung: vướng mắc trong việc thực hiện quy định của các Nghị định số: 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016; 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ; đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018: “Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt”; yêu cầu hướng dẫn cung cấp thông tin cổng kết nối dược quốc gia…

Kiến nghị nổi bật trong lĩnh vực y tế là kiến nghị về việc thiếu hợp lý khi áp dụng Thông tư 43/2012/TT-BYT ngày 24/11/2018 hướng dẫn Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành để hướng dẫn Nghị định 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15 được ban hành để thay thế cho Nghị định 38). Việc áp dụng này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm là thực phẩm. Nếu việc ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 được coi là điểm sáng của Bộ Y tế trong công tác cải cách thủ tục hành chínhh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì việc các cơ quan chức năng vẫn áo dụng Thông tư 43/2012/TT-BYT ngày 24/11/2018 hướng dẫn Nghị định 38/2012/NĐ-CP lại là điển hình cho việc gây cản trở và làm cho hoạt động kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp gặp ách tắc trong lưu thông hàng hóa

- Các kiến nghị doanh nghiệp gửi đến các địa phương chủ yếu đề nghị tháo gỡ khó khăn cụ thể doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện dự án cáp treo Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; đề nghị giải quyết những vướng mắc khi đấu thầu và thực hiện gói thầu SP 1/01/ICB “Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Sapa”, tỉnh Lào Cai; những khó khăn khi hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng lưu thông trong khu vực nội đô TP. Hồ Chí Minh; bất cập trong việc sáp nhập Bệnh viện Dung Quất vào Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi;  xác định vị trí cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại TP. Bắc Giang …

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong quý 1/2019, VCCI nhận được 91 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 21 bộ, ngành, địa phương giảm 34% so với quý 4/2018 (quý 4/2018 nhận được 138 văn bản). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI.

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2019 đến hết 31/3/2019, còn 44 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Nhiều kiến nghị đã được Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển từ đầu năm 2019 những vẫn chưa được giải quyết. Các bộ, ngành có nhiều kiến nghị chưa được trả lời gồm: Bộ Tài chính 12 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường 7 kiến nghị; Bộ Y tế 5 kiến nghị; Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội 4 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 kiến nghị; Bộ Công Thương 3 kiến nghị… 4 bộ, ngành khác có 4  kiến nghị. Đối với địa phương có 7 tỉnh, TP trực thuộc trung ương chưa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Ngãi, An Giang, Đà Nẵng, Bắc Giang.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp.

  1. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những quý tiếp theo.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý 1/2019 là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 15.331 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý 1/2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90,8%. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong quý 1/2019, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá rất cao hoạt động nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp như:

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành các Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ. Tại 2 Nghị quyết này, Chính phủ đã đề ra hệ thống các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp công nghệ, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Đồng thời đề ra các mục tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp mới, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt để

Cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng với những giải pháp và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế nước ta năm 2019 tiếp tục đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

-  Hoạt động quyết liệt của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhằm đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã có tác động tích cực đến việc tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp. Đứng trước những khó khăn của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, Tổ công tác có buổi kiểm tra thực tế tình hình nhập nhập khẩu các lô hàng phế liệu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại cảng Hải Phòng. Sau buổi kiểm tra, Tổ công tác khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi 4 nghị định có liên quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa quy định thuộc thẩm quyền. Trong thời gian chưa kịp sửa các văn bản, Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác sẽ kiến nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ gần nhất để tháo gỡ vướng mắc ngay cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.

- Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã đề ra mục tiêu năm 2019, hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (bao gồm 18 thủ tục chuyển từ năm 2018 sang và 43 thủ tục của năm 2019); chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN theo kế hoạch chung của ASEAN; chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai hải quan và C/O điện tử với Liên minh kinh tế Á- Âu và Hàn Quốc. Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại được thực hiện đúng kế hoạch sẽ tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

- Nhiều bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019, trong đó, nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; nghiêm cấm việc tự đặt ra những thủ tục hành chính không đúng quy định; gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thủ tục hành chính.

 II.TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 1/2019, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- Đã hoàn thành góp ý 27 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đáng chú ý có một số văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật khác.

- Chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận, đề xuất và rà soát các chính sách, pháp luật với Đảng, nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển góp phần tích cực vào quá trình cải thiện chất lượng của hệ thống thể chế và kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Một số hoạt động nổi bật như:

+ Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đối với Luật Đầu tư, dự thảo sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng như thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Dự thảo Luật Doanh nghiệp sẽ sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của doanh nghiệp, bãi bỏ con dấu doanh nghiệp, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp… Một vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo là thiết chế pháp lý dành cho hộ kinh doanh cá thể. Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần hướng tới các giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, tạo cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh, trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo được VCCI tiếp thu, tổng hợp gửi Ban soạn thảo.

+ Tổ chức Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018 và công bố báo cáo Dòng chảy Pháp luật Kinh doanh 2018. Đây là sáng kiến của VCCI nhằm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong 6 tháng hoặc một năm, được bắt đầu từ đầu năm 2018. Báo cáo đã điểm lại những quy định pháp luật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam trong từng giai đoạn. Các quy định này được tập hợp từ ý kiến đóng góp của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân, luật sư, các chuyên gia kinh tế. Phạm vi của Báo cáo tập trung vào các quy định pháp luật về kinh doanh được ban hành ở cấp trung ương trong năm 2018. Báo cáo ngoài việc thống kê, đã cố gắng phân tích, bình luận và đánh giá để rút kinh nghiệm cho công tác xây dựng pháp luật kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

+ Tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh có trách nhiệm – Nền tảng để bứt phá” nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Tham dự và chỉ đạo Diễn đàn có đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và hơn 300 doanh nhân nữ trong và ngoài nước. Hiện nay, số doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ chiếm khoảng 25% số doanh nghiệp Việt Nam. Nữ doanh nhân có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, công nghệ cao... và đạt nhiều thành công đáng ghi nhận, gây dựng được nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới như Vinamilk, Vietjet Air… Dấu ấn của doanh nhân nữ Việt Nam qua những con số ấn tượng đã khẳng định sự đóng góp to lớn của họ cho các mục tiêu kinh tế, xã hội và sự phát triển của đất nước.

+ Tổ chức Hội nghị tại Hà Nội công bố Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018”. Báo cáo đã phản ánh những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan trong năm 2018 và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tới ngành Hải quan thời gian tới. Theo Báo cáo, mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được cải thiện còn rất khiêm tốn so với năm 2015. Cụ thể, về khả năng tiếp cận thông tin và chất lượng nguồn tin, 91% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng thông tin được cung cấp là thống nhất (so với 77% năm 2015), 90% đánh giá thông tin sẵn có, dễ tìm (81% năm 2015). Hiệu quả hỗ trợ của cơ quan hải quan cũng được đánh giá tích cực với tỷ lệ trên 80% doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên trách là “phần lớn và hoàn toàn kịp thời, hiệu quả”. Hoạt động khảo sát này sẽ được tiếp tục triển khai trong các năm tới nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để tạo thuận lợi và tạo đòn bẩy để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

+ Lãnh đạo VCCI và các ban chuyên môn của VCCI tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, góp ý chính sách trong các lĩnh vực như: Lao động (tiền lương, thỏa thuận về giờ làm thêm, lao động trẻ em và người chưa thành niên, lao động khuyết tật, đào tạo nghề nghiệp gắn với việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, an toàn lao động…); Bảo hiểm xã hội (giải pháp và chế tài đối với doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH; Cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức đoàn thể; Huy động sự tham gia của Việt kiều tham gia xây dựng kênh phân phối, giới thiệu hàng hóa Việt Nam tại các nước sở tại;  Hội thảo tham vấn chuyên gia về Dự thảo Báo cáo kết quả Điều tra, khảo sát nhu cầu; Nguy cơ gian lận xuất khẩu qua C/O…

- Tiếp tục triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Tiếp tục công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh, hỗ trợ các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại các địa phương.

Phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Báo cáo được xây dựng từ kết quả khảo sát của 11.000 doanh nghiệp dân doanh từ 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 20 tỉnh, thành phố. Báo cáo đánh giá một số lĩnh vực cần tiếp tục cải cách như: thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn khó khăn, thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, tính minh bạch chậm được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao... Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng PCI. TOP 10 PCI cả nước lần đầu tiên có sự góp mặt của Hà Nội ở vị trí thứ 9, cải thiện 3 bậc so với năm 2017. Đây là năm thứ 14 VCCI công bố Báo cáo đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Toàn bộ nội dung báo cáo PCI 2018 tiếng Việt và tiếng Anh được đăng tải công khai tại http://www.pcivietnam.org/ và http://eng.pcivietnam.org/.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động Thực hiện Liêm chính trong kinh doanh và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, triển khai Chương trình nền kinh tế tuần hoàn.

+ Ban điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, báo cáo với Phó Thủ tướng kết quả hoạt động năm 2018 và kế hoạch hành động năm 2019 của Hội đồng. Sau ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch VCCI đồng thời là Chủ tịch VBCSD đã thay mặt Ban Điều hành tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, trao đổi một số định hướng hoạt động của VBCSD thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến việc cần thiết điều chỉnh Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) tiệm cận hơn nữa tới các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

+ Phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các bên nhằm hoàn thiện xây dựng Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”. Kết quả báo cáo cho thấy chỉ có 50% - 60% doanh nghiệp cho thấy họ hiểu rõ về kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực hiện chương trình của dự án, UNDP sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cẩm nang hướng dẫn áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ, đồng thời cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho những doanh nghiệp còn đang tìm cách áp dụng các công cụ đó. Đây là một trong các hoạt động trọng tâm của Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ

+ Phối hợp với Heineken Việt Nam tổ chức tập huấn về Kinh tế tuần hoàn tại TP. Hồ Chí Minh; triển khai hoạt động nghiên cứu xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp trong ngành giấy và nhựa.

+ Phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Chuỗi cung ứng có trách nhiệm ở châu Á – Sự tham gia của các đối tác chiến lược”  nhằm khuyến khích và đảm bảo thực hành trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Lãnh đạo VCCI tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư và thúc đẩy hội nhập quốc tế ở cấp quốc gia;  Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư trong và ngoài nước, đào tạo doanh nghiệp trong đó có nhiều hoạt động nổi bật như:

+ Chủ tịch VCCI tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tokyo B20 với chủ đề “Xã hội 5.0 vì mục tiêu phát triển bền vững” từ ngày 14-15/3/2019 tại trụ sở Keidanren, Tokyo, Nhật Bản. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo ABE, các quan chức cao cấp trong Chính phủ Nhật bản, các diễn giả đến từ các tổ chức kinh tế các nước G20 và tổ chức kinh tế quốc tế như WTO, WEF, World Bank, OECD, ICC, CBI, USCIB, MEDEF, Phòng Thương mại Mỹ… và nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn thuộc các nước G20. Hội nghị B20 đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp và giới kinh tế các nước khu vực G20, đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng và kỳ vọng lớn đối với lãnh đạo G20 trong thời điểm khó khăn và đầy thách thức đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và toàn cầu hoá. Các đại biểu đã thông qua “Kiến nghị chung B20” và trao Bản kiến nghị cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đệ trình lên Hội nghị nguyên thủ G20 dự kiến tổ chức tại Osaka vào tháng 6/2019. Nhân dịp này, Chủ tịch VCCI đã có buổi làm việc với Keidanren về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Á vào tháng 10/2019 tại Hà Nội và với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) về việc phối hợp với JCCI tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tokyo vào tháng 6/2019.

+ Phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Argentina trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống nước Cộng hòa Argentina. Diễn đàn có sự tham dự của Tổng thống Argentina và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch VCCI cùng đại diện các Bộ, ngành  cùng đông đảo doanh nghiệp hai nước. Chuyến thăm chính thức của Tổng thống nước bạn cùng với hoạt động Diễn đàn doanh nghiệp đã tạo động lực mới, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhân dịp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Dịch vụ Argentina nhằm thúc đẩy hoạt động  xúc tiến thương mại và đầu tư giữa  hai nước và đặc biệt sẽ tiến tới việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam – Argentina.

+ Phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam” tại Hà Nội nhằm trao đổi, đóng góp ý kiến cho Báo cáo về năng suất lao động Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện. Theo Báo cáo, năng suất bình quân của Việt Nam giai đoạn 1991-2015 tăng chưa tới 3 lần (2,88) trong vòng 25 năm qua. Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn thấp so với các nước trong khu vực, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng. Về các giải pháp tăng năng suất lao động, VCCI nhấn mạnh vào công tác cải cách giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, cần phát động phong trào tăng năng suất lao động trong tất cả các khu vực của nền kinh tế thông qua sáng kiến thực hiện “tháng năng suất lao động quốc gia”, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có năng suất lao động cao và nỗ lực cải thiện năng suất lao động; xây dựng một chương trình nâng cao năng suất quốc gia có tính lâu dài với nhiều hoạt động như tổ chức Diễn đàn thường niên về năng suất quốc gia, công bố giải thưởng Top 100 doanh nghiệp, tổ chức có cải thiện năng suất cao trong năm…

+ Phối hợp tổ chức Hội thảo “Đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản” nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mê Kông và đoàn doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Tại Hội thảo, đại diện doanh nghiệp hai nước đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, VCCI đã hỗ trợ đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

+ Tổ chức Lễ ra mắt Mạng lưới kế nghiệp Việt Nam (VNGN), thuộc Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam. Việc hình thành VNGN thể hiện mục tiêu chuyển giao quyền kinh doanh giữa các thế hệ kinh doanh trong gia đình ở Việt Nam. Hoạt động này không chỉ tạo ra một sân chơi cho thế hệ kế tiếp mà còn hỗ trợ quá trình chuyển giao thành công. Tại Lễ ra mắt, VCCI đồng thời công bố Quyết định đổi tên Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam thành Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam và Quyết định thành lập Câu lạc bộ kế nghiệp, trực thuộc Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam.

+ Tổ chức Festival Khởi nghiệp 2019 và phát động Chương trình Khởi nghiệp 2019. Đây là năm thứ 17 Chương trình Khởi nghiệp được VCCI tổ chức nhằm: tiếp tục phát triển mạng lưới khởi nghiệp và hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp với 5 hành động lớn: đào tạo giảng viên cao cấp và huấn luyện theo chuẩn quốc tế; tư vấn phát triển hệ thống: hỗ trợ khởi nghiệp các địa phương, bao gồm các cơ sở đào tạo nhân sự có chuyên môn cùng với cơ sở vật chất, cơ chế hỗ trợ chính quyền; kết nối cung cầu và tạo lập hệ sinh thái cho các hoạt động khởi nghiệp; hỗ trợ trực tiếp các dự án, hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp ở cấp quốc gia với vai trò là tổ chức, quản trị cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam; tham gia phát triển môi trường chính sách cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Trong khuôn khổ Festival Khởi nghiệp 2019, Ban tổ chức đã trao giải cho 6 dự án xuất sắc nhất cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2018, đồng thời tổ chức kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp và nhóm tác giả.

+ VCCI đồng thời chủ động phối hợp với các đối tác tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại khác như: Diễn đàn “Sáng kiến hành động vì một thế giới không rác thải”; Hội nghị Đầu tư thương mại tỉnh Đắk Nông; Hội thảo CyPrus – Điểm đến lý tưởng; Tọa đàm Cơ hội Kinh doanh với thị trường Hoa Kỳ; Hội thảo “Tiềm năng kinh doanh và du lịch Nepal”; Hội thảo  “Cơ hội kinh doanh và đầu tư với thị trường Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia”; Toạ đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Canada với chủ đề  “Lợi thế thương mại Việt Nam – Canada” tại Hà Nội và Đà Nẵng...

- Tổ chức 76 khóa đào tạo, tập huấn cho 4672 doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, kỹ năng vận động chính sách, nâng cao kỹ năng quản lý hiệp hội, kỹ năng quản lý và lãnh đạo dành cho cán bộ quản lý cấp trung, kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số trực tuyến, kỹ năng giao tiếp và đàm phán trong kinh doanh, đào tạo chuyên gia về kỹ năng đối phó với hàng rào phi thuế quan…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 1/2019 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Bộ Giao thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Bộ Lao động thương binh và xã hội(Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch(Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 1/2019 của Bộ Công thương (Tải về)

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)