Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng đột biến lên gần nửa tỉ USD

Trong đó, xuất khẩu mực chiếm 56,4% đạt 276 triệu USD, tăng 47%; xuất khẩu bạch tuộc chiếm 43,6% đạt 213 triệu USD, tăng 24%.

Chế biến mực để xuất khẩu (Ảnh vasep)
Chế biến mực để xuất khẩu. Ảnh Vasep

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chiếm tỷ trọng nổi trội trong các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm lần lượt 36% và 22%. Đứng thứ 3 là Trung Quốc chiếm 10% nhưng có mức tăng trưởng cao 113%. Xuất khẩu sang Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Israel cũng tăng mạnh: lần lượt ghi nhận tăng trưởng 53%, 152%, 76% và 193%

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang khối thị trường EU trong 8 tháng đầu năm đạt trên 52 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Italy, Tây Ban Nha và Pháp lần lượt là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối. Xuất khẩu sang Italy giảm nhẹ 1% trong khi xuất khẩu sang 2 thị trường còn lại tăng lần lượt 152% và 76%.

Bạch tuộc tươi, đông lạnh mã HS 03 chiếm 83% tổng xuất khẩu bạch tuộc. Đối với mực, sản phẩm tươi/đông lạnh chiếm 49%, mực khô nướng chiếm 42%, còn lại là mực chế biến (9%).

Giá trị xuất khẩu mực ghi nhận tăng trưởng tốt hơn (47%) so với xuất khẩu bạch tuộc (24%). Xuất khẩu mực chế biến đạt mức tăng trưởng tốt nhất 79% trong số các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay.

Các địa phương xuất khẩu nhiều mực, bạch tuộc nhất của Việt Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Sóc Trăng…

Các sản phẩm xuất khẩu chính như bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, mực khô, mực khô chưa chế biến, bạch tuộc chế biến cắt đông lạnh, mực khô lột da, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực đông lạnh.

Theo Báo Lao động

https://laodong.vn/kinh-doanh/xuat-khau-muc-bach-tuoc-tang-dot-bien-len-gan-nua-ti-usd-1096451.ldo