ESG mang lại lợi ích dài hạn

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh: ESG là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Environmental, Social and Corporate Governance), chỉ nhóm các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty trong đánh giá doanh nghiệp. ESG đang dần trở thành một công cụ quan trọng để các tổ chức ra quyết định liệu có đầu tư vào một doanh nghiệp hay không.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hành ESG trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Dù đã có những điển hình thành công, nhưng số doanh nghiệp tham gia ESG tại Việt Nam là chưa nhiều. So với các quốc gia khác tại Châu Á Thái Bình Dương, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu trong hành trình ESG. Đơn cử như trong số 50 công ty niêm yết hàng đầu, chưa tới một nửa xem biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng và mới chỉ một phần ba công bố các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu.

Hay xét đến bức tranh của các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam, với gần 400 KCN đang hoạt động, tỷ lệ KCN ban hành các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị bền vững vẫn ở mức thấp. Các KCN quan tâm đến chính sách quản lý rủi ro (hay tuân thủ luật pháp) nhiều hơn các chính sách mang lại sự phát triển bền vững cho KCN và các doanh nghiệp tham gia.

Từ năm 2016 đến nay, VCCI, với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giới thiệu đến các doanh nghiệp Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam. Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản trị tại các KCN, chúng tôi cũng đang triển khai Sáng kiến Khu công nghiệp bền vững từ năm 2021, hướng đến xây dựng và thúc đẩy áp dụng Bộ chỉ số KCN bền vững trên mạng lưới các KCN toàn quốc.

- Thách thức khi lồng ghép ESG trong lập chiến lược kinh doanh đối với doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Việc thực hành ESG phải bắt đầu từ việc phân tích rủi ro và cơ hội trước khi tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Sau đó, kết quả hoạt động nên được đánh giá lại hàng năm. Khối lượng công việc này sẽ chỉ mang lại giá trị khi được công bố trong báo cáo phát triển bền vững cho các bên liên quan. Do đó, việc thực hiện ESG cần nhiều thời gian, nguồn lực từ việc thuê đối tác tư vấn, đến việc phổ biến đến từng đơn vị thành viên, thực hiện chỉ tiêu bảo vệ môi trường, phát triển con người, quản trị doanh nghiệp. Ngoài báo cáo tài chính, hàng năm doanh nghiệp phải có báo cáo chỉ số ESG cần sự đầu tư thời gian từ 6 - 8 tháng.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có quy định pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết phải xây dựng và công bố báo cáo bền vững. Điều này phần nào dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu đi “động lực” để thực hiện ESG, cũng như triển khai các công tác minh bạch thông tin. VCCI đã liên tục đưa ra kiến nghị trong nhiều năm về việc cần có quy định yêu cầu các doanh nghiệp lập báo cáo bền vững thường niên, từ đó mới có thể tạo đà cho sự phát triển của ESG tại Việt Nam, cũng như cải thiện “sức khỏe” của thị trường chứng khoán và mở rộng ra là cộng đồng doanh nghiệp nước nhà.

- Theo ông, các thông lệ tốt của các doanh nghiệp đi đầu trong thực hành ESG, đặc biệt là áp dụng Bộ chỉ số CSI sẽ tác động như thế nào đến quản trị doanh nghiệp bền vững?

Theo các tổ chức đầu tư, nhìn sâu vào mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty đầu tư theo ESG, hay nói cách khác là đầu tư cho hoạt động quản trị doanh nghiệp khoa học, chuyên nghiệp, là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững và chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn. Đó cũng là lí do chúng tôi giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Bộ chỉ số CSI – bộ công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp được xây dựng phù hợp cho riêng các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Tuy việc thực hành ứng dụng Bộ Chỉ số CSI vẫn còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng qua 06 năm triển khai và phát triển, đến nay Bộ Chỉ số đã được nâng cấp ngày càng hoàn thiện, trở nên thân thiện và gần gũi hơn với các tiêu chí chi tiết và cụ thể, dễ áp dụng đối với điều kiện của các doanh nghiệp trong nước.

Trong 130 chỉ số của CSI 2022, có tới 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững chiếm 32%. Điều này cho thấy chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nói chung, và dễ dàng được đánh giá cao trong Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững nói riêng. Cần nhấn mạnh rằng dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tuân thủ pháp luật cũng là yêu cầu cơ bản mà doanh nghiệp phải thực hiện.

Như vậy, áp dụng Bộ chỉ số CSI không hề xa tầm với của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp áp dụng CSI cho biết Bộ chỉ số có thể hỗ trợ hiệu quả công tác lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh; rà soát các lỗ hổng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn và nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững” được tổ chức vào ngày 22/9/2022. Doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia tại đường link QR hoặc theo dõi trực tuyến trên kênh youtube của VBCSD. Thông tin chi tiết tham khảo tại https://vbcsd.vn/

 

Theo Phan Nam (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/esg-mang-lai-loi-ich-dai-han-230994.html