Thiếu nguồn cung từ Nga, Đức sẽ cạn kiệt khí đốt trong vòng 3 tháng

Thiếu nguồn cung từ Nga, Đức sẽ cạn kiệt khí đốt trong vòng 3 tháng

Kho dự trữ khí đốt của Đức hiện đang ở mức dự trữ 77% công suất.

Nhằm giúp Đức tránh được cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa đông sắp tới, chính phủ Đức đặt mục tiêu dự trữ khí đốt đạt 75% công suất vào ngày 1/9, 85% công suất vào 1/10 và 95% công suất vào 1/11. Kho dự trữ khí đốt của Đức hiện đang ở mức dự trữ 77% công suất, hoàn thành trước thời hạn tới 2 tuần.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 17/8, ông Müller cho rằng với nguy cơ mùa thu lạnh hơn bình thường và khả năng nguồn cung khí đốt tiếp tục gián đoạn, mục tiêu dự trữ khí đốt đạt 85% công suất vào tháng 10 có thể là một thách thức.

“Tôi không thể cam kết rằng tất cả các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Đức sẽ được lấp đầy 95% vào tháng 11, ngay cả trong điều kiện cung và cầu tốt. Trong trường hợp tốt nhất, 3/4 trong số đó (các cơ sở lưu trữ khí đốt) sẽ đạt được mục tiêu”, ông Klaus Müller nhấn mạnh thêm.

Lý do ông đưa ra là một số cơ sở lưu trữ khí đốt cần nhiều thời gian hơn để bổ sung lượng dự trữ.

Cũng theo chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, việc nạp đầy dự trữ khí đốt ở mức 95% vào tháng 11 sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 2 tháng rưỡi nhu cầu sưởi ấm, công nghiệp và điện nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với nước này.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nhiều quốc gia tuyên bố đóng băng tài sản của Nga và kêu gọi từ bỏ năng lượng Nga. Tất cả những điều này đã trở thành vấn đề đối với Mỹ và châu Âu, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh.

Để đáp ứng mục tiêu dự trữ khí đốt, Đức tập trung cao hơn vào nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như triển khai các biện pháp tiết kiệm khí đốt.

Ở động thái liên quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habek ngày 17/8 khẳng định mô hình của Đức, vốn dựa vào khí đốt giá rẻ của Nga, đã kết thúc và sẽ không trở lại, đo đó, Đức phải xây dựng mô hình mới với tốc độ cực nhanh.

Ông lưu ý việc tái cơ cấu này đôi khi khiến người ta phải dùng đến "liều thuốc đắng" bao gồm cả hỗ trợ các công ty bằng chi phí ngân sách nhà nước, cũng như đưa ra một khoản phí tiện ích bổ sung cho hệ thống sưởi bằng khí đốt.

Mức phí này được lên kế hoạch áp dụng từ ngày 1/10 trong vòng 2 năm. Theo hãng tin Reuters, chi phí bổ sung cho một gia đình bốn người có thể ở mức trung bình 400-600 euro mỗi năm.