Đề xuất bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ

Đề xuất bãi bỏ 21 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ - Ảnh 1.

Bãi bỏ toàn bộ 19 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ

Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, một số bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện rà soát và phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ pháp lý để xác định hết hiệu lực theo quy định tại các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 1996, năm 2008, năm 2015 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Về nguyên tắc, các văn bản này vẫn được xác định là "còn hiệu lực". Do đó, để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tuân thủ đúng quy định về hiệu lực của văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), việc ban hành văn bản để bãi bỏ các văn bản nêu trên là cần thiết.

Thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, Bộ Tư pháp đã tổng hợp và thấy rằng có 21 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành cần được bãi bỏ.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ toàn bộ 19 văn bản sau: Quyết định số 153-HĐBT ngày 13/12/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Ủy ban vận động mua công trái; Quyết định số 153-HĐBT ngày 13/12/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Ủy ban vận động mua công trái; Nghị định số 52-HĐBT/NĐ ngày 19/3/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại thương; Nghị định số 87-CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng; Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 112-HĐBT ngày 15/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã; Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995; Nghị định số 76/2017/NĐ-CP ngày 30/6/2017 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng;…

Ngoài ra, dự thảo bãi bỏ một phần nội dung của một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Bãi bỏ các quy định sau đây trong một số Nghị định của Chính phủ:

Khoản 2 Điều 1, Điều 7 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về bảo vệ kiểm định thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm.

Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/1/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuyết Hạ (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/de-xuat-bai-bo-mot-so-van-ban-quy-pham-phap-luat-cua-chinh-phu-102220810155257669.htm