VCCI Nghệ An: Tập huấn triển khai mức lương tối thiểu mới cho doanh nghiệp

Lớp tập huấn nằm triển khai chương trình công tác năm 2022 hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng; xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, quan hệ lao động; thực hiện các quy định của Pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế (KKT) Đông Nam và các Khu Công nghiệp (KCN) Nghệ An (theo Kế hoạch số 873/KKT-DNLĐ ngày 11/7/2022). 

Tham dự lớp tập huấn, về phía Ban Quản lý KKT Đông Nam có ông Phan Văn Bình – Phó trưởng Ban cùng đại diện Lãnh đạo Phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động, đại diện Công đoàn KKT Đông Nam; về phía Chi nhánh VCCI Nghệ An có bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách; bà Đào Thị Thanh Ngân – Giảng viên chính và các cộng sự, là chuyên gia cấp cao về lĩnh vực quản lý nhân sự và chiến lược chuyên đào tạo cho các Tổng Công ty, Tập đoàn doanh nghiệp lớn; tham dự Lớp tập huấn còn có gần 150 học viên đại diện các doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, cán bộ phụ trách nhân sự, cán bộ phụ trách công tác tiền lương và lao động từ các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An.

Ông Phan Văn Bình - Phó trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam

Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Bình - Phó trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam khẳng định tầm quan trọng về những chính sách mới của Chính phủ, đặc biệt là những chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2022. Trong đó có Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, về mức lương tối thiểu tháng, các mức lương tối thiểu tháng theo vùng. Ông Bình nhấn mạnh vai trò đại diện và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của VCCI Nghệ An trong các hoạt động đào tạo, tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như phối hợp với các cơ quan của chính quyền trong các hoạt động liên quan.

Bà Đào Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI Nghệ An đánh giá cao những nỗ lực cải cách hành chính, thu hút đầu tư và đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt những năm vừa qua của Ban Quản lý KKT Đông Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ban Quản lý đã rất quyết liệt hạn chế tối đa sự lây lan, ảnh hưởng của dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động tại KKT. Bà Hoa cho rằng, với những hoạt động phối hợp giữa VCCI Nghệ An với Sở, ngành tại Nghệ An nói chung và với Ban Quản lý KKT Đông Nam nói riêng, sẽ là những “cầu nối” giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận hơn với chính quyền, tiếp thu nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh, tài chính, pháp luật… để từ đó doanh nghiệp sẽ tự tin, sáng tạo, tuân thủ pháp luật trong sản xuất kinh doanh.

Toàn cảnh lớp tập huấn.

Tại lớp tập huấn, bà Đào Thị Thanh Ngân - Giảng viên chính và các cộng sự đã chuyển tải nhiều nội dung quan trọng về Nghị định số 38/2022/NĐ-CP và Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn thực hành xây dựng thang bảng lương và các tình huống thảo luận.

Theo đó, ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 thay thế cho Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo 4 vùng với Nguyên tắc áp dụng vùng địa bàn như sau:

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38.

Nói về Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2022 của Chính phủ, bà Đào Thị Thanh Ngân cho biết: Nghị định 35 Quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Nghị định có những đặc điểm nổi bật như: Sửa đổi bổ sung quy định về quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; các quy định đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ; Quy định về Giá cho thuê đất trong khu công nghiệp…

Đặc biệt, Nghị định có một số điểm nổi bật về hoạt động quản lý của Ban Quản lý KKT, KCN liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động: Về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong KCN; về Chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý KCN, KKT, khu chế xuất (Điều 67 Nghị định 35/2022/NĐ-CP); nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý KCN, KKT (Điều 68 Nghị định 35/2022/NĐ-CP).

Một trong những nội dung quan trọng trong tập huấn đợt này là xây dựng thang bảng lương, bao gồm quy trình xây dựng thang bảng lương, quy trình ban hành thang bảng lương và các lưu ý khi xây dựng thang bảng lương đã được giảng viên cùng các cộng sự hướng dẫn chi tiết, rõ ràng và phù hợp với thực tế của doanh nghiệp tại từng địa phương.

Theo Phan Duy Hùng (VCCI Nghệ An) / Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/vcci-nghe-an-tap-huan-trien-khai-muc-luong-toi-thieu-moi-cho-doanh-nghiep-228516.html