Thu ngân sách tăng hơn 17%

Báo cáo tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, sáng ngày 29/6, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% (so với cùng kỳ). Riêng quý II tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Tốc độ tăng trưởng của từng khu vực đạt kết quả đồng đều như: Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,23% (trong đó, ngành công nghiệp khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế với mức tăng 4,04%); khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất là 4,83% (trong khi cùng kỳ năm trước giảm 5,86%).

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh   						   Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Văn Chung

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2%. Các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả. Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ gồm: Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,51%; ngành thông tin truyền thông tăng 8,18%; ngành tài chính, ngân hàng tăng 9,91%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46%; ngành y tế tăng 6,85%. Có 3/9 ngành có mức tăng trưởng dưới 6% là bán buôn, bán lẻ tăng 3,1%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08%; giáo dục và đào tạo tăng 4,99%. Trong khi đó, chỉ có 1 ngành giảm là kinh doanh bất động sản, với tỷ lệ giảm 5,82%.

Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện được 238.648 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49%. Trong đó, thu nội địa đạt 169.938 tỷ đồng, đạt 62,92% dự toán và tăng 21,02%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 68.700 tỷ đồng, đạt 58,97% dự toán và tăng 9,62%.

Về xúc tiến đầu tư, bên cạnh công tác tổ chức các hội nghị lớn của cả nước, thành phố đã tổ chức 48 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua các sự kiện hội chợ - triển lãm; các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp thành phố; các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về thị trường và kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế

Trên cơ sở kết quả đạt được, TP. Hồ Chí Minh xác định 6 tháng cuối năm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo hướng tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh 12 nhóm giải pháp với rất nhiều công việc, giải pháp cụ thể.

Đó là tập trung rà soát và quyết liệt thực hiện 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) theo nghị quyết của HĐND thành phố để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu này, nhất là các giải pháp để đảm bảo thu chi ngân sách; triển khai thực hiện các công trình, đề án trong 49 đề án rà soát, quyết tâm cho đến tháng 10/2022 phải được đưa vào triển khai thực hiện tất cả; tập trung quyết liệt triển khai nhiệm vụ quy hoạch KT-XH thành phố; rà soát, bổ sung quy hoạch chung của thành phố; hoàn thành quy hoạch chung TP. Thủ Đức trong tháng 7/2022, quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm nay và chậm nhất là quý I/2023 để có thể phê duyệt ngay giữa năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng từng khu vực đạt kết quả đồng đều

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% (so với cùng kỳ). Riêng quý II tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Tốc độ tăng trưởng của từng khu vực đạt kết quả đồng đều như: Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,23%; khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất là 4,83% (trong khi cùng kỳ năm trước giảm 5,86%).

Tiếp đến là tập trung triển khai các dự án đầu tư công, có giải pháp đồng bộ để đảm bảo đạt chỉ tiêu vào cuối năm. Theo đó, từng dự án đầu tư công phải có kế hoạch tiến độ và duy trì giao ban tổ đầu tư công hằng tháng và phát huy hoạt động của các tổ công tác. Riêng đầu tư công, đã thành lập 3 tổ: tổ giải phóng mặt bằng, tổ các dự án có vốn lớn, tổ giải ngân ODA. Các tổ này phải rà soát lại từng dự án, vướng ở đâu và có đề xuất tháo gỡ, sẽ hoạt động hàng tuần, hàng tháng để đẩy nhanh tiến độ của các dự án đầu tư công vào những tháng cuối năm.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cũng cho biết việc sửa đổi mức học phí theo Nghị định 81 sẽ được điều chỉnh để phù hợp với quy định pháp luật; tiếp tục hoàn thiện, triển khai chiến lược y tế sau phục hồi; tập trung phòng chống dịch Covid-19, cũng như sốt xuất huyết; đánh giá đúng và có các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về vấn đề lao động, nguồn nhân lực cho kinh tế.

"Nhóm giải pháp cuối là tập trung giải quyết các tồn đọng, các thủ tục hành chính, các vướng mắc. Các sở, ngành phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu, liên thông, phối hợp đồng bộ hơn để thủ tục nhanh hơn; các quận huyện phải rà soát lại để tăng cường các giải pháp giải quyết hồ sơ tồn đọng…" - ông Mãi nhấn mạnh.