Cả nước có 19 tuyến cao tốc với chiều dài 1.163 km

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Xuân Cường, hiện tại, nước ta đã thực hiện công tác vận hành và quản lý hơn 1.000 km đường cao tốc được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước (vốn vay ODA, đầu tư công) và vốn của các nhà đầu tư tư nhân theo phương thức PPP.

Việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc hoàn chỉnh sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo. Việc tổ chức khai thác đường bộ cao tốc sẽ góp phần điều tiết lưu lượng, phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ảnh: VEC
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ảnh: VEC

Bên cạnh đó, nhờ đi lại trên cao tốc nhanh chóng, êm thuận hơn trên quốc lộ thông thường, người sử dụng đường cao tốc sẽ tiết kiệm được chi phí thời gian và vận hành phương tiện. Tính bình quân chung 8 dự án thành phần đầu tư công, người sử dụng sẽ được hưởng lợi từ 1.500 đồng – 6.000 đồng/PCU/km.

Thực tế, tại các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP đang khai thác, người tham gia giao thông sẵn sàng trả phí do thu lợi trực tiếp từ tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, được sử dụng dịch vụ chất lượng cao, bình quân ở mức 1.662 đồng/PCU/km. Bên cạnh đó, việc thu phí cao tốc cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Các tuyến đường cao tốc đều có hệ thống quốc lộ song hành cho người dân lựa chọn.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, theo kinh nghiệm của các nước có hệ thống đường bộ cao tốc phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc,… mạng lưới cao tốc đều tổ chức thu phí để thu hổi vốn, bảo trì và tái đầu tư. Từ thực tế như vậy, để thấy việc đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là hết sức cần thiết, mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, môi trường,… kết nối các vùng kinh tế trọng điểm các địa phương… Trong bối cảnh ngân sách ngày càng khó khăn như hiện nay thì việc cần thiết phải huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là cực kỳ cần thiết.

Từ nay đến năm 2030 cần khoảng 813.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Ông Nguyên Xuân Cường cũng cho biết thêm, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc đến năm 2030 là khoảng 813.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021 – 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng, trong đó, tổng nguồn vốn ngoài ngân sách là 153,5 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, thời gian tới, cần huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đường cao tốc. Đối với những đoạn tuyến cấp thiết song chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư thì cần xem xét đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhằm phát huy hiệu quả cả hệ thống.

Tính đến nay cả nước có 19 tuyến cao tốc với chiều dài 1.163 km, trong đó có 951 km bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc và 212 km phân kỳ đầu tư. Hiện đang triển khai đầu tư 916 km. Nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng đường bộ cao tốc là rất lớn. Vì vậy, việc tìm thêm nguồn lực bổ sung vốn cho phát triển đường bộ cao tốc là cần thiết.

Có nhiều phương án để thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội phát triển hệ thống cao tốc. Trong đó, ngay từ bây giờ và quan trọng nhất là cần khẩn trương xây dựng các phương án để thu hồi vốn đầu tư. Thứ nhất là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản. Phương án thứ hai là chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Phương án thứ 3 là cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Phương án thứ tư là chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, qua phân tích các cơ sở pháp lý, ưu nhược điểm của 4 phương thức trên thì phương thức thứ ba không phù hợp áp dụng đối với kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc, phương thức thứ tư chưa áp dụng được trong giai đoạn công trình đường bộ cao tốc mới đưa vào khai thác. Còn phương thức thứ hai thiếu cơ sở pháp lý hiện tại, muốn thực hiện cần phải sửa đổi các văn bản quy pháp pháp luật liên quan, mất một khoảng thời gian nhất định.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đề xuất phương thức khai thác đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc – Nam sau khi hoàn thành theo phương thức khai thác là “Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác”. Cụ thể, Tổng cục ĐBVN sẽ là cơ quan được giao quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản bao gồm: Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổ chức thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí, áp dụng thu phí không dừng.

Giai đoạn sau sẽ nghiên cứu phương thức chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có thời hạn và các phương thức phù hợp khác để sớm cụ thể hóa khát vọng hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 theo mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.