Hà Nội: Thúc đẩy DN tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm sạch

Trên địa bàn Hà Nội, hiện đã có 142 điểm phân phối thực phẩm an toàn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ghi nhận từ doanh nghiệp

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay đã hình thành được 3 chuỗi tiêu thụ rau hoạt động hiệu quả cung cấp cho Hà Nội và các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố lân cận. Để có được kết quả này, vai trò của DN trong chuỗi cung ứng được đánh giá là khâu then chốt, bởi sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Vì vậy, việc lựa chọn, cung ứng thực phẩm sạch của các địa phương khác về thị trường Hà Nội phụ thuộc phần lớn vào các DN.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), để hàng hóa có thể đưa vào hệ thống bán lẻ, trước khi ký hợp đồng, DN thường đến kiểm tra điều kiện sản xuất, tuy nhiên, không thể kiểm soát hết cả quá trình. Do vậy, DN đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ đối với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhằm giúp DN yên tâm hơn trong bán hàng. Thậm chí, các địa phương có thể xây dựng các tổ giám sát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

“Fivimart cũng mong muốn địa phương có chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, các DN tại địa phương đầu tư nâng cấp khu sơ chế, giết mổ, phương tiện vận chuyển sản phẩm... để các đơn vị này có thể đủ điều kiện được đưa vào hệ thống bán lẻ của chúng tôi. Bởi thực tế, DN muốn kết nối, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ của Fivimart hiện thiếu nhiều giấy tờ chứng nhận”, bà Hậu nói.

Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt nhấn mạnh yêu cầu cần đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN: “Tôi cho rằng cần có sự liên kết thực sự chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan mới có thể tạo ra các sản phẩm tốt đồng đều. An Việt là DN lâu năm cung cấp thực phẩm cho các cho bếp ăn tập thể, nhà hàng… Nếu làm đúng quy trình thì lượng giấy tờ DN phải cung cấp đối với một sản phẩm là rất lớn. Các đơn vị tiêu thụ luôn yêu cầu DN phải đầy đủ giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và nhiều loại khác, bởi lo ngại khi cơ quan chức năng kiểm tra, không có sẽ bị phạt. Số lượng hành khách của DN khá lớn nên nhiều khi cùng một loại giấy tờ, DN lại phải nhân ra nhiều bản để công chứng, vừa tốn của lại tốn công”, ông Nam bày tỏ.

Ông Nam đề xuất xây dựng mẫu giấy chứng nhận mang tính tổng thể như DN đã có các loại giấy tờ đầy đủ cho mặt hàng cố định rồi thì lần sau chỉ cần trình giấy chứng nhận đó, không cần phô tô, công chứng hàng loạt giấy tờ khác nữa.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, một đơn vị tham gia chuỗi cung ứng tại “đầu ra” cho rằng cần hỗ trợ DN trong chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.

“Đối với phân tích đa dư lượng một mẫu rau chi phí lên tới 7,5 triệu đồng. Thông thường một tháng DN phải phân tích 3 mẫu, nếu không được hỗ trợ thì chi phí khá lớn. Ở đây DN không mang tâm lý ỷ nại mà mong muốn kéo dài sự hỗ trợ trong khoảng vài năm nhằm tạo sự ổn định, tạo thói quen tiêu dùng cho người dân. Sau đó, dù không có hỗ trợ nữa, DN cũng có thể cân đối các yếu tố để tiếp tục duy trì hoạt động như bình thường”, ông Hưng nói.

Cam kết tạo thuận lợi cho DN

Thời gian qua, việc triển khai chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được đẩy mạnh triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội và thu về kết quả tích cực, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, để bảo đảm sự ổn định, bền vững của các chuỗi này, cần sự chung tay đồng bộ hơn nữa ở cả phía DN lẫn cơ quan quản lý các địa phương.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội cũng đã phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai xây dựng nhiều chuỗi nông sản hàng hóa cung cấp cho TP. Hà Nội. Đến nay, các chuỗi vẫn duy trì và không ngừng phát triển về số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng các chủng loại hàng hóa.

Về tăng hỗ trợ cho DN, mặc dù được đánh giá đã làm khá tốt việc xây dựng, vận hành các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, song theo ông Mỹ vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Đó là một số sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hằng năm; chưa chủ động cung cấp thông tin nông sản, sản lượng để các cơ quan quản lý và DN của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm, dẫn tới còn thụ động trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, một số sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện, gây gián đoạn cho công tác kiểm tra, giám sát theo chuỗi an toàn thực phẩm. Một số chợ đầu mối chưa đáp ứng được yêu cầu về bố trí, kết cấu, ngăn cách giữa các khu vực, các hộ kinh doanh chưa đáp ứng được các yêu cầu về trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm... cũng như chưa thực hiện các quy định về yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Từ góc độ quản lý, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nghiên cứu các chính sách tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời cho các tác nhân tham gia phát triển chuỗi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Bộ NN&PTNT cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN tham gia đầu tư chuỗi nông sản an toàn. Việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai kết nối cung ứng nông sản thực phẩm giữa các địa phương và TP. Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng trong mở rộng thêm chuỗi và điểm bán nông sản an toàn, đảm bảo quyền lợi của người dân tiêu dùng thực phẩm, nông sản sạch.

Tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP. Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã ghi nhận các phản hồi của DN tham gia trong chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của Hà Nội, đồng thời cam kết, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN tham gia đầu tư chuỗi trong thời gian tới.

Theo Đỗ Hương(Báo chính phủ)