Chuyên gia VCCI: Gần 35% nhà thầu quan niệm 'chi hoa hồng là bắt buộc, là luật bất thành văn'

Chuyên gia VCCI: Gần 35% nhà thầu quan niệm 'chi hoa hồng là bắt buộc, là luật bất thành văn'

Chuyên gia VCCI: Gần 35% nhà thầu quan niệm chi 'hoa hồng' là 'bắt buộc', là luật 'bất thành văn'

Hàng loạt vấn đề cản trở doanh nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công

Ngày 16/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Úc đã tổ chức hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp”, qua đó công bố báo cáo nghiên cứu khảo sát về những vấn đề tồn tại, khó khăn và vướng mắc đối với doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu công tại địa phương.

Được biết, báo cáo khảo sát là kết quả của dự án hợp tác giữa VCCI-UNDP, sử dụng dữ liệu điều tra với các câu hỏi được lồng ghép vào khảo sát chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, một điều tra doanh nghiệp thường niên quy mô lớn do VCCI triển khai trong nhiều năm qua tại Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết từ những vấn đề khó khăn, vướng mắc được chỉ ra trong báo cáo, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ nhằm khắc phục, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật về đấu thầu mua sắm công và công tác thực hiện, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp nhiều nhất bao gồm thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, tiêu chí phụ không thỏa đáng, khó/không mua được hồ sơ mời thầu.

Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp tham gia các gói đấu thầu của các cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với những doanh nghiệp lựa chọn gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy dường như các doanh nghiệp lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các doanh nghiệp mới thành lập.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao doanh nghiệp lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp. Các lý do khác được doanh nghiệp đưa ra bao gồm chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, báo cáo khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường tính công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua tăng cường sử dụng các biểu mẫu đấu thầu công mang tính cạnh tranh và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu công điện tử) trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.

Đồng thời, cần tăng cường giám sát mua sắm đấu thầu công thông qua nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức công mời thầu mua sắm, đầu thầu công, cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, cơ quan chức năng ở địa phương cần tập trung vào chất lượng giải quyết các vấn đề và kiến nghị của doanh nghiệp tham gia đấu thầu thông qua việc xây dựng các cơ chế độc lập.

Chi 'hoa hồng' là luật 'bất thành văn'

Theo nhóm chuyên gia VCCI-UNDP, trong số các vấn đề gây "nhức nhối" nhất trong hoạt động đấu thầu mua sắm công, đó là việc không ít doanh nghiệp buộc phải bỏ ra khoản tiền lớn là chi phí ngoài quy định, hay còn gọi là "hoa hồng" nhằm thông đồng, cấu kết, dàn xếp hoạt động đấu thầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thắng thầu. Đây là hiện tượng rất nguy hại, làm mất đi tính cạnh tranh công bằng, khiến hoạt động đấu thầu không còn minh bạch, là nguyên nhân chính khiến các cán bộ "tha hóa" phải "xộ khám".

Không chỉ vậy, theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia VCCI-UNDP, xét trong năm 2021, gần 35% doanh nghiệp tham gia khảo sát quan niệm rằng việc chi trả "hoa hồng" để có thể trúng thầu là một yêu cầu bắt buộc, là luật "bất thành văn". Nói cách khác, cứ khoảng 3 nhà thầu thì có 1 nhà thầu sẵn sàng bỏ số tiền lớn để bảo đảm trúng thầu.

“Doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí này để các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu được trơn tru hơn. Có những trường hợp doanh nghiệp từ chối không chi trả các khoản chi phí này khiến cho tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, không nộp được hồ sơ dự thầu gây tổn thất lớn hơn khoản chi trả này. Không chỉ vậy, tình trạng 'hoạnh họe' của cơ quan liên quan cũng gây ảnh hưởng tới dự án, không chi không được”, chia sẻ của một doanh nghiệp tham gia đấu thầu đã trả lời khảo sát.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nghiên cứu cũng rất quan tâm và chỉ ra trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ doanh nghiệp đã tham gia các gói thầu của cơ sở y tế đồng ý chi trả "hoa hồng" là khá cao, trong đó có đến 50% doanh nghiệp thuộc nhóm cung cấp trang thiết bị y tế, 38% thuộc nhóm doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị vật tư phòng chống dịch và 33% thuộc nhóm dược phẩm. Với các loại hàng hóa, dịch vụ khác, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định cũng lên tới 39%.

Câu hỏi đặt ra là việc chi trả "hoa hồng" thường do bên nào chủ động? Từ phía doanh nghiệp, hay các cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư? Theo khảo sát của VCCI-UNDP, trong năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp chủ động tự đưa "hoa hồng" để dàn xếp việc đấu thầu lên tới 25,2% (số liệu chung tất cả doanh nghiệp) và 32,8% (nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp tham gia đấu thầu gói thầu của cơ sở y tế).

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp tình huống cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư gợi ý lần lượt là 10,3% (tất cả doanh nghiệp) và 21,3% (cao hơn đáng kể ở gói thầu của cơ sở y tế). Tóm lại, tỷ lệ này càng cao cho thấy mức độ phổ biến của chi phí ngoài quy định càng lớn và đã đến mức báo động khi hành vi này được xem là điều đương nhiên, là một phần tất yếu “không cần phải nói mà ai cũng hiểu” trong công việc.

Theo nhóm chuyên gia VCCI-UNDP, những con số phản ánh mức độ phổ biến của chi phí ngoài quy định trong hoạt động đấu thầu y tế nêu trên là rất đáng quan ngại. Kết quả đó cho thấy hoạt động phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua có thể bị một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để mưu lợi bất chính. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, làm mất tính cạnh tranh lành mạnh của hoạt động đấu thầu mà còn làm giảm hiệu quả công tác ứng phó đại dịch của cả nước, làm mất niềm tin của nhân dân, đặc biệt đối với y đức của những cán bộ ngành y tế.

Hàng loạt vụ việc sai phạm trong đấu thầu của các cơ sở y tế khiến nhiều cán bộ ngành y tế bị khởi tố trong thời gian gần đây, trong đó có một số lãnh đạo các trung tâm kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh, thành phố trên cả nước, lãnh đạo cấp vụ, thứ bộ trưởng Bộ Y tế là một cảnh báo nghiêm túc về việc cần khắc phục những kẽ hở trong hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế...

Nhìn rộng hơn, y tế có thể chỉ là một trong các lĩnh vực đấu thầu bị phát hiện tiêu cực do được đặc biệt chú ý trong 2 năm gần đây. Nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các doanh nghiệp nhà nước... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm nếu không được giám sát chặt chẽ.