Vì sao thu phí không dừng triển khai ì ạch?

Được triển khai từ năm 2015, đến nay cả nước mới có 575 làn thu phí không dừng trong 118 trạm thu phí, chiếm 70% tổng số làn cần lắp đặt ETC. Tỷ lệ dán thẻ nhận diện khoảng 57% tổng số phương tiện.

Là đơn vị thực hiện dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) với 35 trạm trên các quốc lộ, Công ty Thu phí tự động VETC gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu triển khai. Quy định ban đầu là đơn vị BOT giao lại thiết bị, nhân lực tại trạm thu phí cho đơn vị BOO thực hiện nên doanh nghiệp BOT không mặn mà với loại hình thu phí mới mẻ này, e ngại mất quyền thu phí và sẽ giảm việc làm của người lao động tại các trạm.

Lý do khác là dự án đang bị sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến phương án tài chính. Một số trạm BOT có doanh thu thu phí đạt thấp, thậm chí có trạm bị người dân phản đối nên phải dừng. Do đó, các doanh nghiệp không muốn đầu tư thêm hệ thống thu phí không dừng và phải trích lại phí cho đơn vị thu, mức phí từ 2 đến 7% doanh thu tùy thuộc lưu lượng xe và chi phí đầu tư.

"Chúng tôi phải thuyết phục ngân hàng và doanh nghiệp BOT về hiệu quả của thu phí ETC như giảm chi phí nhân lực, đo đếm chính xác lưu lượng, chống gian lận, giảm ùn tắc tại trạm", ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc VETC, nói.

Sau khi Chính phủ có cơ chế mở cho doanh nghiệp BOT tự đầu tư thiết bị thu phí không dừng và truyền dữ liệu tới trung tâm của VETC, đặc biệt chỉ đạo nếu các trạm BOT không lắp đặt ETC sẽ phải dừng thu phí, tiến độ triển khai nhanh hơn. Một số doanh nghiệp BOT đã tự đầu tư, lắp đặt hệ thống ETC tại trạm và đấu nối với trung tâm vận hành của VETC.

Thu phí tự động trên quốc lộ 5. Ảnh: Anh Duy

Thu phí tự động trên quốc lộ 5. Ảnh: Anh Duy

Công tác lắp đặt ETC chậm chễ còn do tiềm lực tài chính của Công ty Thu phí tự động VETC yếu kém. Chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ chi phí khiến phương án tài chính của dự án bị vỡ trong giai đoạn 2018-2020, ngân hàng dừng cấp tín dụng. VETC từng đề nghị trả lại dự án cho Bộ Giao thông Vận tải, công tác lắp đặt hệ thống ETC tại trạm và dán thẻ cho phương tiện bị ảnh hưởng.

Sau 5 năm triển khai, VETC mới dán thẻ không dừng cho hơn một triệu trong số 3,5 triệu xe trong cả nước, không phát huy được hiệu quả thu phí không dừng tại các dự án BOT. "Một thời gian dài, VETC không thể triển khai dán thẻ cho phương tiện, công tác vận hành thu phí tại các trạm bị co cụm. Từ năm 2021, công ty mẹ của VETC đã đầu tư nguồn lực nên đơn vị mới có thể tăng nhân lực, mở rộng công tác dán thẻ", ông Hồ Trọng Vinh nói.

Việc chậm sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn do nhiều người giữ thói quen sử dụng tiền mặt, không sẵn tiền trong tài khoản khi không sử dụng thường xuyên. Nhiều lái xe chưa ý thức, xe chưa dán thẻ vẫn đi vào làn ETC gây ùn tắc, từ đó không khuyến khích được nhiều người sử dụng dịch vụ này.

Một lý do quan trọng khác là thời gian đầu, tình trạng lỗi thẻ không dừng xảy ra khá phổ biến. Nhiều xe bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, barie không mở mà vẫn trừ tiền, thẻ không tích hợp nếu đi qua trạm của đơn vị cung cấp dịch vụ ETC khác. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải thường xuyên xử lý thẻ bị lỗi, rà soát lỗi phát sinh của phần mềm và kết nối giữa các bên cung cấp dịch vụ.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, phân tích phương tiện thanh toán không tiện lợi gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Những doanh nghiệp có nhiều đầu xe phải nạp số tiền không nhỏ vào tài khoản giao thông và khoản tiền này bị tồn đọng trong tài khoản nếu chủ xe không sử dụng.

Trong khi lưu thông, tài khoản giao thông hết tiền mà doanh nghiệp không kịp nạp cũng gây khó cho lái xe. Doanh nghiệp vận tải đã đề nghị có giải pháp tích hợp trả phí tự động qua tài khoản ngân hàng thay vì trả qua tài khoản giao thông của đơn vị cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, đơn vị dịch vụ thu phí không phải tổ chức tín dụng nên không được trả lãi cho số tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông. Các ngân hàng vì lý do bảo mật nên không cho phép trừ tiền phí trực tiếp từ tài khoản ngân hàng.

Tình hình triển khai thu phí không dừng trên cả nước. Đồ họa: Tiến Thành

Tình hình triển khai thu phí không dừng trên cả nước. Đồ họa: Tiến Thành

Sau gần 7 năm triển khai, hiện cả nước có gần 2,6 triệu phương tiện đã dán thẻ dịch vụ không dừng trong gần 5 triệu xe, đạt 57%. Tỷ lệ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng khi qua trạm thu phí đạt khoảng 60%.

Để tăng số phương tiện dán thẻ không dừng, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã kết nối tự động tài khoản giao thông với một số ngân hàng lớn và tiến tới liên thông toàn bộ ngân hàng. Tài khoản giao thông hết tiền sẽ được nạp tự động từ ngân hàng với số tiền mà chủ tài khoản đặt.

Ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam - đơn vị thực hiện dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2), cho biết doanh nghiệp đã tuyên truyền mạnh mẽ đến chủ xe về lợi ích và hiệu quả sử dụng ETC. Người muốn dán thẻ có thể đăng ký online và nhân viên đến dán trong 24 giờ. Cùng với đó, hệ thống thanh toán đa kênh từ trực tiếp, ngân hàng, ví điện tử, các giao dịch được trừ công khai, minh bạch.

Chỉ trong hơn một năm triển khai (từ giữa năm 2020), đơn vị này đã dán được 1,3 triệu thẻ Epass, tương đương số lượng thẻ của VETC dán trên phương tiện trong 5 năm.

Theo Đoàn Loan (Vnexpress)

https://vnexpress.net/vi-sao-thu-phi-khong-dung-trien-khai-i-ach-4456321.html