Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Chính phủ thật sự trong sạch, liêm chính

Ánh lên nhiều điểm sáng

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đi qua năm 2021 - một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và đầy biến động với bao vất vả, lo toan và cả những thăng trầm, buồn vui chộn rộn. 

Chúng ta khởi đầu năm 2021 bằng thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng. Tiếp sau đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp. Trong khi đại dịch COVID-19 với các biến thể tiếp tục bùng phát, lây lan kéo dài ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là tính mạng, sức khỏe nhân dân...

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ bằng tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực sáng tạo nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cả về chính trị, KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Mặc dù khó khăn, sóng gió gặp phải là chưa từng có, nhất là đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước đã khiến các hoạt động KT-XH của phần lớn tỉnh, thành đình trệ nhiều tháng. Thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra là rất lớn. Nhưng với tinh thần dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, kịp thời có những chủ trương, giải pháp sát đúng nên bức tranh kinh tế của Việt Nam tuy chưa thật đẹp vẫn ánh lên nhiều điểm sáng. 

Đặc biệt là những tháng cuối năm, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với chủ trương chuyển hướng từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, chúng ta đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong phòng, chống dịch gắn với khôi phục và phát triển KT-XH. Chỉ số sản xuất một số ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam tăng trên 10%. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 2,58%.

Hoạt động thương mại có những bước phát triển đáng kể. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả đạt 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 26,46 tỉ USD, chứng tỏ Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, với nhiều biện pháp quyết liệt công tác phòng, chống dịch của Việt Nam ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra đã được hạn chế tối đa nhờ tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người vẫn được bảo đảm, tạo chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân...

Những thành quả ấy đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức hết sức nặng nề, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Qua đó, niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và chế độ XHCN được củng cố; bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc và Đảng ta được khẳng định.

Xây dựng Chính phủ thật sự trong sạch, liêm chính

Kế thừa và phát huy tinh thần từ các nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng khẳng định quyết tâm chính trị với chủ trương: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Quán triệt sâu sắc tinh thần ấy, năm 2021, Chính phủ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, những thành quả to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các nhiệm kỳ đã đạt được. Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ được thể hiện rõ nét. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ được nâng lên. Những thành quả đạt được về phát triển KT-XH đã minh chứng thuyết phục điều đó. Tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, bám sát chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, hoạt động nhịp nhàng, hiệu lực và hiệu quả. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã sớm được cụ thể hóa và thể chế hóa thành chủ trương, luật pháp, giải pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Chính phủ.

Đặc biệt qua việc hàng loạt cán bộ, công chức, đảng viên, trong đó nhiều người thuộc thành viên Chính phủ có những việc làm “không được lòng dân” bị đưa ra xử lý bằng kỷ luật, pháp luật đã cho thấy quyết tâm gột rửa, thanh lọc nội bộ để trong sạch, vững mạnh (TSVM) hơn, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng mà nhân dân trao gửi của Đảng, Chính phủ và hệ thống chính trị. Nhân dân hiểu rằng, khi “ý Đảng, lòng Dân” đã hòa quyện, khi Chính phủ đã thực sự đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết thì nhất định đất nước ta sẽ ngày càng cường thịnh. 

Đề cập đến nhiệm vụ của Chính phủ thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta lâu nay đã đổi mới, sáng tạo thì tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa; Nhà nước ta nói chung, Chính phủ, chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa…”.

Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không chỉ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc mà phải triển khai nghiêm túc, hành động quyết liệt, hiệu quả bằng những chương trình, kế hoạch đồng bộ, thiết thực, cụ thể. Đặc biệt muốn hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì trước hết phải xây dựng Chính phủ thực sự liêm chính, TSVM.

Một chính phủ chỉ thực sự liêm chính, thực sự TSVM khi chính phủ ấy dũng cảm thường xuyên mổ xẻ cơ thể mình để phát huy những chỗ khỏe mạnh, gột rửa loại bỏ những chỗ yếu kém, bệnh tật. Nhiệm vụ xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “nhiệm vụ then chốt”

Hành vi tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Dù to hay nhỏ Chính phủ, các thành viên Chính phủ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp là những tổ chức, cá nhân có chức, có quyền. 

Thực tế ở nước ta cho thấy tham nhũng, tiêu cực có thể rơi vào bất cứ cán bộ, công chức, viên chức nào. Cán bộ nhỏ, công chức, viên chức hành chính ở những nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân thì tham nhũng nhỏ từ việc bớt xén thời gian làm việc đến sách nhiễu, cố tình gây khó dễ cho dân nhằm mục đích vòi vĩnh tiền bạc. Lớn hơn một chút, tham nhũng, tiêu cực thường rơi vào cán bộ, có chức quyền gắn liền với công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc sắp xếp, điều động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí không theo yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất, trình độ, năng lực cán bộ mà theo giá trị tiền bạc, từ đó mà sinh ra tình trạng ô dù, chạy chức, chạy quyền...

Tinh vi, khó phát hiện hơn là tham nhũng có sự móc nối, liên kết thành “lợi ích nhóm”, thậm chí là “thành hệ thống lợi ích”. Loại tham nhũng này thường rơi vào những cán bộ có vị trí cao, có quyền quyết định những vấn đề lớn và thường liên quan đến các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đất đai, đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn… Không chỉ xuất hiện ở những lĩnh vực liên quan đến kinh tế mà tham nhũng còn có cả ở những lĩnh vực mà lâu nay vốn được xem là mô phạm, chuẩn mực nhất của xã hội như: Y tế, giáo dục, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện… 

Điểm qua như vậy để thấy bóng ma tham nhũng, tiêu cực đã phủ khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Yêu cầu kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng Chính phủ thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặt ra là rất cao. 

Chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, nhưng với Chính phủ, các thành viên Chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền càng phải xác định đây là “nhiệm vụ then chốt”. Mục tiêu của văn hóa liêm chính trong Chính phủ là phải làm cho cán bộ, công chức, viên chức từ chỗ “không dám tham nhũng” đến chỗ “không cần”, “không muốn” tham nhũng. Đây là công việc khó và không thể trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải vừa kiên quyết, vừa kiên trì, bằng sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân.