Bằng mọi biện pháp đảm bảo đủ nguồn cung lao động

Lộ trình mở cửa nền kinh tế với những giải pháp trọng tâm

Dành thời gian để nhắc tới việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp.

Thủ tướng cũng yêu cầu đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi.

Trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong lộ trình mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 (Zero COVID) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỉ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.

Thứ ba, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho Nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH.

Xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân

Về các giải pháp phục hồi thị trường lao động, Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Tỉ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp tăng cao. Một lượng lớn người dân, người lao động trở về quê dẫn đến những vấn đề xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Nhất là tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và từng bước mở cửa nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người lao động thực hiện mọi biện pháp cần thiết để trước mắt, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Chủ động ưu tiên tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ. Có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu. Về lâu dài, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đẩy mạnh, xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động.

Về vấn đề nhiều người lao động về quê trong thời điểm dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo phân tích, đánh giá kỹ để có giải pháp cụ thể, trước mắt và căn cơ, lâu dài, bảo đảm các điều kiện cần thiết để ổn định đời sống, việc làm cho người lao động; nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch chuyển lao động an toàn, hiệu quả.

Bài học kinh nghiệm trong chống dịch

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về việc chuyển hướng chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng tuy chưa tổng kết một cách toàn diện nhưng Việt Nam đã đưa ra các trụ cột phòng chống dịch.

Thứ nhất, phải cách ly nhanh chóng, diện hẹp nhất có thể. Thứ hai là chiến lược xét nghiệm. Xét nghiệm phải an toàn và xét nghiệm nhanh. Thứ ba, phải điều trị, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngăn chặn chuyển bệnh nặng, giảm tử vong. Trên cơ sở này, Chính phủ hình thành công thức 5K + vaccine + công nghệ.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế sẽ kết hợp những phương pháp khác như kết hợp điều trị bằng Đông - Tây y kết hợp.

“Tôi cũng thấy rằng qua dịch bộc lộ những yếu kém hiện hữu là y tế dự phòng và y tế cơ sở thì phải củng cố. Cái quan trọng là nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nguồn nhân lực như đào tạo và thu hút. Dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh nhưng đào tạo nguồn nhân lực thì mất nhiều năm” - Thủ tướng nói.

* Chúng ta đang đi 2 chân trong vấn đề vaccine

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam tiếp cận phòng, chống dịch theo hướng toàn dân, lấy người dân là trung tâm và chủ thể phòng, chống dịch, từ đó triển khai các chính sách đều hướng tới người dân. Ngược lại, người dân cũng tham gia phòng, chống dịch một cách chủ động.

Thủ tướng cho hay, Việt Nam đã huy động được sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt trong vấn đề vaccine. Hiện nay, quá trình sản xuất vaccine trong nước cũng đang được thúc đẩy. Đã có 2 hội đồng độc lập với quản lý Nhà nước là Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép được thành lập để tham gia vào quá trình sản xuất vaccine. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định việc sản xuất vaccine trong nước phải đảm bảo vấn đề an toàn.

“Vaccine là vũ khí quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh, nên chúng ta phải làm mọi biện pháp để đạt được. Có thể nói, chúng ta đang đi hai chân trong vấn đề vaccine, vừa đàm phán mua từ quốc tế vừa nghiên cứu sản xuất trong nước” - người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.