Đất làm trang trại và những điều cần biết rõ

Đất trang trại là gì?

Đất trang trại hay đất sử dụng cho kinh tế trang trại là một loại đất nằm trong nhóm đất nông nghiệp được quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2013, bao gồm: 

- Đất trồng cây hàng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; 

- Đất trồng cây lâu năm;

- Đất rừng sản xuất;

- Đất rừng phòng hộ;

- Đất rừng đặc dụng;

- Đất nuôi trồng thủy sản;

- Đất làm muối;

- Đất nông nghiệp khác, gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Phân loại trang trại

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, các trang trại được xác định theo lĩnh vực sản xuất như sau:

- Trang trại trồng trọt;

- Trang trại chăn nuôi;

- Trang trại lâm nghiệp;

- Trang trại nuôi trồng thuỷ sản;

- Trang trại tổng hợp.

Bên cạnh đó, trang trại chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản) là trang trại có tỉ trọng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa của ngành chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại trong năm.

Trường hợp không có ngành nào chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa thì được gọi là trang trại tổng hợp.

Tiêu chí xác định kinh tế trang trại

Điều 5 Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT quy định, cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau:

Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt:

- Có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu: 3,1 ha đối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long;  2,1 ha đối với các tỉnh còn lại.

- Giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên.

Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.