Trước yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi ngành Thuế phải thay đổi phương thức quản lý thuế. Ngoài hóa đơn giá trị gia tăng in giấy thông thường, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho phép được áp dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về hóa đơn, Luật Quản lý thuế số 38 đã có hẳn một chương quy định về hóa đơn điện tử. Đây là lần đầu tiên quy định về hóa đơn điện tử được đưa vào luật.

Từng bước chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử

Trong công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) là một trong những khâu nghiệp vụ rất quan trọng của ngành Thuế. Thuế GTGT là một trong những sắc thuế quan trọng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT thì cần phải quản lý chặt chẽ hóa đơn.

Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế đã từng bước thay đổi phương thức quản lý thuế, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Năm 2010, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó có quy định về HĐĐT. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về HĐĐT, tạo bước ngoặt mới về quản lý hóa đơn sau rất nhiều năm áp dụng hóa đơn giấy thông thường.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử được quy định trong luật sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử được quy định trong luật sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để triển khai nghị định này, ngày 14/3/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Việc ban hành Thông tư 32 đã giúp đưa HĐĐT vào cuộc sống khi đã quy định cụ thể về việc khởi tạo HĐĐT, công nhận HĐĐT là một loại hóa đơn hợp pháp bên cạnh hóa đơn giấy thông thường.

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dù HĐĐT đã chính thức được áp dụng, nhưng Thông tư 32 chỉ đề cập đến HĐĐT không có mã của cơ quan thuế. “Theo thông tư này, người sử dụng HĐĐT không phải gửi dữ liệu đến cơ quan thuế, không có mã định dạng chuẩn, cơ quan thuế cũng chưa đủ nguồn lực để tiếp nhận hóa đơn này, nên việc lưu giữ để phục vụ công tác quản lý thuế gặp rất nhiều khó khăn” - ông Tuấn nói.

Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử

Mặc dù HĐĐT đã được pháp luật thừa nhận song song với hóa đơn giấy truyền thống, tuy nhiên, để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, vừa giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt việc sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế đã tham mưu, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, có hiệu lực từ 1/11/2018. Theo Nghị định này, có 2 loại HĐĐT, đó là HĐĐT có mã và HĐĐT không có mã. Thời gian để chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT trong vòng 2 năm (từ 1/11/2018 đến 1/11/2020).

Dù quy định về HĐĐT cơ bản đã được hoàn thiện tại Nghị định 119, tuy nhiên lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, để áp dụng HĐĐT hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, cần phải đưa quy định này vào trong luật. Do đó, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội đưa quy định về HĐĐT vào Luật Quản lý thuế sửa đổi và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua - đó là Luật Quản lý thuế số 38.

Như vậy, với sự nỗ lực của ngành Thuế, sau nhiều năm xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về HĐĐT, lần đầu tiên trong lịch sử ngành Thuế, quy định về HĐĐT đã được đưa vào luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc quản lý và sử dụng HĐĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Do tầm quan trọng của HĐĐT, nên Luật Quản lý thuế số 38 đã quy định hẳn một chương (Chương X) về áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử.

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh cho biết, việc luật hóa quy định về HĐĐT đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý và sử dụng HĐĐT. “Đây là văn bản pháp luật quan trọng, quy định rõ ràng, cụ thể về áp dụng HĐĐT để cơ quan thuế, cũng như người nộp thuế căn cứ thực hiện. Luật Quản lý thuế đã quy định về việc khởi tạo, quản lý và phát hành HĐĐT có trình tự, thủ tục rõ ràng, phân chia trách nhiệm của các bên, bao gồm cả cơ quan nhà nước và người nộp thuế, giúp việc áp dụng HĐĐT minh bạch và thuận tiện khi thực hiện, giám sát, thanh kiểm tra” - luật sư Chung nói.

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử

Với sự nỗ lực của ngành Thuế, sau nhiều năm xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về hóa đơn điện tử (HĐĐT), lần đầu tiên trong lịch sử ngành Thuế, quy định về HĐĐT đã được đưa vào luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc quản lý và sử dụng HĐĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Để triển khai Luật Quản lý thuế số 38, Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã triển khai nhiều nội dung để thực hiện, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đến nay Tổng cục Thuế đã hoàn thành, trình Bộ Tài chính ban hành 8 thông tư hướng dẫn thực hiện về hóa đơn, chứng từ.