Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2021

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1627/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2021

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2021

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý I1I/2021, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong quý III/2021

Trong quý III/2021, VCCI đã tập hợp 74 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Trong đó đã trả lời, giải quyết 21 kiến nghị, đạt tỷ lệ 28,4%, chưa giải quyết là 53 kiến nghị, chiếm tỷ lệ 71,6%. (có phụ lục kèm theo) 

 

Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý III/2021 bao gồm: Bộ Tài chính: 16 kiến nghị; Bộ Giao thông Vận tải: 11 kiến nghị; Bộ Y tế : 10 kiến nghị; Bộ Công thương: 9 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 9 kiến nghị; Ngân hàng Nhà nước: 07 kiến nghị; Bộ Xây dựng: 07 kiến nghị; Bộ Công an: 04 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 04 kiến nghị; UBND TP. Hồ Chí Minh: 04 kiến nghị. Còn lại các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh Yên Bái mỗi nơi nhận được từ 01 đến 02 kiến nghị. Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp quý III/2021 chủ yếu đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch CoviD-19 bùng phát và hướng dẫn quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính của kiến nghị bao gồm như sau:

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp quý III/2021 chủ yếu đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của bùng phát dịch bệnh Covid-19 và đề nghị hướng dẫn quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính của kiến nghị bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính nhận được nhiều nhất các kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp với nội dung chủ yếu đề nghị có chính sách hỗ trợ khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19: Kiến nghị Giảm thuế xuất khẩu sản phẩm Ống đồng mã HS 7411.10.00 từ 5% về 0%, phù hợp với quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định của Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bới dịch bệnh Covid 19, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, tạo điều kiện cho người lao động và nâng cao vị thế của sản phẩm Make in Vietnam; đề nghị miễn giảm phân luồng đỏ, tháo gỡ ách tắc về thủ tục Hải quan trong giai đoạn phong tỏa cho doanh nghiệp; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng đá thuộc nhóm 6801-6803; đề nghị chưa xem xét tăng thuế suất, thuế xuất khẩu của các mặt hàng đá thuộc nhóm 6801-6803 cho đến hết năm 2023; đề nghị giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, giảm giá thuê đất đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất; Xem xét, sửa đổi việc không xác định giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên 51% tổng giá thành đối với các mặt hàng thuộc nhóm STT21 tại biểu thuế xuất khẩu; kiến nghị điều chỉnh quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP về Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu làm sao tiết kiệm tối đa chi phí phát sinh mà vẫn đáp ứng được đầy đủ 3 điều kiện: Điều kiện có hàng rào cứng xung quanh để ngăn cách doanh nghiệp EPE với khu vực bên ngoài; điều kiện có camera quan sát được lắp đặt tại các vị trí cổng/ cửa ra vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong

ngày (24/24 giờ); về quy định có phần mềm quản lý sản phẩm khấu hao đã nhập khẩu để lập báo cáo tồn kho; về thời hạn nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra xác nhận đủ ba điều kiện nêu trên.

- Bộ Giao thông Vận tải nhận được các kiến nghị liên quan đến cước phí vận chuyển: Đề nghị giảm phí đường bộ, phí BOT, dừng thu phí cảng biển; kiến nghị giải pháp về giá cước, phụ phí và các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; kiến nghị ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì liệt kê danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông; ưu tiên phân luồng xanh cho vận tài hàng hóa xuất nhập khẩu; đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; đề nghị bổ sung luồng xanh cho công tác vận chuyển hàng hoá, vật tư vật liệu cho các dự án đang triển khai thi công nhằm đáp ứng nhu cầu vật tư vật liệu đảm bảo việc triển khai dự án đúng kế hoạch đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam hiện đang triển khai thi công; đề nghị không thực hiện đề xuất phương án giảm giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới 10% đối với tất cả các phương tiện xe cơ giới trong thời gian 4 tháng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong các văn bản quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

- Liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế nhận được các kiến nghị : Đề nghị được tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân trong các công ty; đề nghị hướng dẫn cụ thể khi áp dụng 3 tại chỗ và 2 địa điểm 1 cung đường để doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trở lại sau 1 ngày (bao gồm các khâu có liên quan đến chuỗi cung ứng sản phẩm như kho bãi, vận chuyển và khu vực nhà máy sản xuất); kiến nghị bỏ quy định hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông, thay và đó là cho phép lưu thông hàng hóa như điều kiện bình thường nếu đảm bảo phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định; điều chỉnh, bổ sung một số quy định liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa lĩnh vực y tế; đề nghị phân bổ nguồn vacxin cho người lao động khối doanh nghiệp dự án. Cán bộ, công nhân viên đang thi công, quản lý, vận hành các công trình giao thông, đồng thời, cho phép các công trường dự án thi công tại chỗ, các phương tiện vận chuyển cán bộ công nhân viên, thiết bị, vật liệu xây dựng được phép di chuyển với điều kiện tuân thủ các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ y tế về phương án phòng chống dịch để đảm bảo mục tiêu kép…

- Ngân hàng Nhà nước nhận được các kiến nghị liên quan đến chính sách tín dụng như: Giảm lãi suất cho vay, giãn thời gian trả nợ mà không bị phạt chậm nợ đến tháng 6/2022 để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, tăng giá trị tài sản đảm bảo để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết; điều chỉnh sửa đổi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 theo hướng để các doanh được áp dụng chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí... và thời gian áp dụng được thực hiện

cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch Covid 19; đề nghị tiếp tục giảm lãi xuất xuống 0,5-1%/năm, giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022; đề xuất các khoản vay thi công được hoãn nộp hoặc tính lãi suất 0% để đảm bảo các doanh nghiệp có thể tồn tại được qua thời điểm khó khăn này; kiến nghị góp ý dự án Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Nghị quyết số 42..

- Các kiến nghị gửi đến Bộ Công thương đề nghị hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật: Giảm giá điện 10% cho các DN ngành giấy từ tháng 8/2021 đến hết tháng 12/2021 và kéo dài thêm đến tháng 6/2022 nếu dịch bệnh còn tiếp diễn; đề xuất không quy định lộ trình chuyển sang xe điện tại thời điểm này; Đề nghị sớm triển khai cấp phép xuất khẩu hàng hóa bằng hệ thống dịch vụ công để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, hoàn thành được mục tiêu kép, vừa thực hiện phòng chống dịch vừa ổn định phát triển kinh tế; đề nghị tiếp tục gia hạn đến hết ngày 31/12/2022 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại khoản Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt như nội dung mục 14 của Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020…

Các Bộ, ngành và địa phương nhận được kiến nghị chủ yếu liên quan đến các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh: Điều chỉnh thời gian thu Bảo hiểm xã hội. Cho phép các doanh nghiệp được chậm thu và chậm nộp các khoản phí BHXH của 06 tháng cuối năm, đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động đối với những trạm thu phí phải tạm dừng thu phí, những dự án ngừng thi công; đề nghị không thực hiện đề xuất phương án giảm giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới 10% đối với tất cả các phương tiện xe cơ giới trong thời gian 4 tháng; giảm mức đóng phí công đoàn từ 2% xuống 1% và cho phép sử dụng bù vào quỹ lương chi trả cho người lao động; giảm 50% chi phí BHXH, BHYT, BHTN và xin giãn thời gian nộp từ 6-12 tháng; miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021 đến 31/12/2021 cho các DN và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg; dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cho DN và người lao động trước mắt đến 30/6/2022 với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất (tức là áp dụng đối với DN có 15% lao động trở lên (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn, thỏa thuận nghỉ không lương) phải tạm thời nghỉ việc thay vì 50% như quy định tại công văn số 2059/TLĐ của Tổng Liên đoàn ngày 28/5/2021); hỗ trợ lãi suất 100% cho Doanh nghiệp đối với các khoản vay trả lương cho nhân viên và bảo lãnh tín chấp cho các Doanh nghiệp không còn hạn mức vay để trả lương cho nhân viên. Áp dụng từ tháng 7/2021 cho đến sau 3 tháng kể từ Ngày các lệnh giãn cách được bãi bỏ; kiến nghị miễn giảm 100% mức đóng BHXH và chi phí Công đoàn cho doanh nghiệp. Áp dụng từ tháng 8/2021 cho đến sau 3 tháng kể từ ngày các lệnh

giãn cách được bãi bỏ; thống nhất sử dụng 01 phần mềm quản lý, khai báo PCD trên toàn quốc. Yêu cầu, quy định PCD phải được thực hiện online; trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành PCD cho các tổ chức/doanh nghiệp; đề nghị không đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền phân xưởng/bộ phận riêng biệt; đề nghị các tỉnh thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp - là thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch để kịp thời giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Ban chỉ đạo Phòng chống dịch địa phương cần bố trí tăng thêm các đại diện của khối kinh tế Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp PTNT, Tổ công tác hỗ trợ DN, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội); đề nghị chấp thuận các các văn bản scan, gửi online để được giải quyết các thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và hành chính cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4. Quyết liệt triển khai dịch vụ công cấp độ 4 chậm nhất quý I năm 2022; đề nghị sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP theo hướng bỏ yêu cầu xác nhận quảng cáo mỹ phẩm; đề nghị công khai minh bạch thông tin tiết giảm, sa thải điện, thời gian cho phép phát điện của các dự án điện không phân biệt loại hình trên cổng thông tin điện tử Bộ Công thương để doanh nghiệp và người dân cùng giám sát. (xem chi tiết phụ lục 1)

Ngoài các kiến nghị tập hợp trong quý III nêu trên, VCCI đã tập hợp 192 kiến nghị từ 130 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp hướng tới kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10).

2. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

- Trong quý III/2021, VCCI nhận được 21 văn bản trả lời giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương. (xem chi tiết phụ lục 2).

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/07/2021 đến hết 30/09/2021, còn 53 kiến nghị, của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời, trong đó có 21 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận từ cổng dịch vụ công quốc gia chuyển trực tiếp cho các Bộ, ngành, địa phương và 32 kiến do VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ. Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo.

- Nhìn chung các Bộ, ngành đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ chuyển tới khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng. Tuy nhiên, còn một số bộ ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị doanh nghiệp chưa kịp thời và đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ, do liên quan đến sửa đổi các quy định của pháp luật nên cần phải có thời gian nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung cho công tác phòng chống dịch nên chưa có nhiều thời gian xem xét, giải quyết. Các kiến nghị do VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ mất thời gian nhiều hơn do sau khi tiếp nhận Văn phòng Chính phủ mới chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý III/2021, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. - Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- Tham gia ý kiến đối với một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Nghị định về hoạt động lấn biển; Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phát triển công nghiệp; Báo cáo và Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP, Nghị định 125/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá; Đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số

điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- VCCI phối hợp với Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL xây dựng khuyến nghị lộ trình mở cửa sau giãn cách. Khuyến nghị được xây dựng dựa trên kết quả 3 cuộc khảo sát quy mô cấp vùng, trao đổi trực tiếp 30 lãnh đạo các doanh nghiệp, làm việc với các chuyên gia và tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến với hơn 120 doanh nghiệp đại diện cho các ngành và địa phương tại ĐBSCL. Theo đó, lộ trình gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn I (thời gian 14 ngày, từ 15/9/2021) là giai đoạn nới lỏng giãn cách, cho phép tái sản xuất - kinh doanh có điều kiện. Đây là giai đoạn đầu tái sản xuất, địa phương cần cấp thẻ “Công dân xanh” dành cho nhóm người lao động trong vùng xanh để có thể tham gia hoạt động, làm việc tại doanh nghiệp; người dân/người lao động trong vùng đỏ chưa được cấp giấy thì để đảm bảo an toàn thì chưa được phép lưu thông và tham gia sản xuất kinh doanh; địa phương nên xem xét thay thế phương án “3 tại chỗ” và “1 con đường 2 điểm đến” bằng giải pháp “3 xanh” (lao động xanh – con đường xanh – nhà máy xanh”. Giai đoạn II (thời gian 60 ngày, từ 30/9/2021) là giai đoạn mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu các tỉnh trong vùng, là giai đoạn DN có thể phục hồi tốt; giai đoạn này sẽ xem xét tình hình, diễn biến dịch để có những động thái phù hợp. Giai đoạn III (từ tháng 12/2021 hoặc từ 1/2022) là giai đoạn mở rộng sản xuất kết nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Giai đoạn III này người lao động sẽ có thêm nguồn vắc-xin nên nếu ổn định có thể sử dụng Chứng nhận tiêm Vaccine thay cho thẻ Công dân Xanh để tiện đi lại và kiểm soát. Giai đoạn này tùy tình hình sẽ quyết định cho việc mở rộng sang trạng thái bình thường mới, các ngành có thể trở lại hoạt động bình thường, không giới hạn nhưng phải gắn với việc đáp ứng những điều kiện quy định từ chính quyền nhằm đảm bảo phòng dịch an toàn.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo trực tuyến tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 06/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư. Qua hơn nửa năm triển khai trên thực tế, một số nội dung của Thông tư 06 vẫn gây nhiều khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo sửa đổi Thông tư này và dự kiến ban hành vào tháng 9 năm nay. Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng trao đổi, tham vấn về giá trị nộp ngân sách Nhà nước tối thiểu và đàm phán cạnh tranh trong đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); hướng dẫn việc xác định giá sàn nộp ngân sách Nhà nước đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Đây là những nội dung quan trọng cần điều chỉnh tại Thông tư sửa đổi.

- Phối hợp với Chương trình Better Work Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hướng dẫn hình thức tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho Doanh nghiệp và Người lao động theo Nghị quyết 68/2021/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg”. Hội thảo đã thu hút trên 500 doanh nghiệp đa dạng ngành nghề trên cả nước. Đại diện Cục An toàn Lao động, Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội đã hướng dẫn chi tiết các nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động được quy định tại Nghị quyết 68NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về quy trình, các bước thực hiện để tiếp cận được nguồn hỗ trợ này. Hoạt động đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu tham dự, góp phần thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Chính phủ để góp phần chăm lo đời sống người lao động và duy trì được sản xuất.

- Phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và một số hiệp hội doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19” nhằm tìm ra các giải pháp để doanh nghiệp duy trì sản xuất, góp phần duy trì sự ổn định của nền kinh tế và xã hội mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu chống dịch là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. VCCI đã phản ánh đầy đủ bằng văn bản các đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp đến Chính phủ, các bộ ngành liên quan. Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, VCCI cho rằng Chính phủ cũng cần có các biện pháp đầu tư để tạo nền tảng tăng trưởng trong tương lai chứ không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng, tạo nền tảng cho tăng trưởng trong thời gian sắp tới.

- Phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam” năm 2021. Đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Năm 2021 là năm thứ hai Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được trao giải theo 05 hạng mục: Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số; Sản phẩm số tiềm năng.

- Diễn đàn “Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi” & Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và Môi trường kinh doanh (Lần thứ IX). Các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc góp phần định hướng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp soi mình trong tấm gương báo chí để định vị mình tốt hơn trong nỗ lực phát triển có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Bức tranh chung trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ đồng hành. Để xây đắp mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí với doanh nghiệp, đề nghị cơ quan

báo chí hãy công tâm và có trách nhiệm hơn trong mỗi tin bài để không làm cho những doanh nghiệp chân chính bị tổn thương, không để những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm có thể lộng hành. Báo chí có trách nhiệm đồng hành cùng với các doanh nghiệp chân chính, góp phần bảo vệ nền kinh tế và sinh kế của người dân.

- Tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chất lượng của thông tư và công văn – Góc nhìn từ doanh nghiệp”. VCCI đã có đánh giá sơ bộ về thực trạng chất lượng các công văn và thông tư do các Bộ, ngành ban hành gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật. Nội dung nhiều thông tư quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng, một số thông tư không thống nhất với nghị định… Với những đánh giá sơ bộ trên về chất lượng thông tư và công văn từ góc nhìn doanh nghiệp, VCCI đưa ra 6 kiến nghị: (1) cần sự chuyên nghiệp trong quá trình soạn thảo thông tư, kiểm soát và chống xung đột, cài cắm lợi ích; (2) nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư, phải có cơ chế phản hồi nhanh về chất lượng thông tư; (3) tăng cường tham vấn, cơ chế thực tế để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư; (4) liên quan đến công tác hậu kiểm, cần giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi; (5) gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kinh tế. Cá nhân ở đây có thể là Bộ trưởng, Thứ trưởng; (6) về lâu dài thì cần hạn chế ban hành thông tư, với hàng ngàn thông tư như hiện nay rõ ràng sẽ là gánh nặng về tuân thủ rất lớn, tạo rủi ro lớn nếu chất lượng không cao.

2. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

Đại diện lãnh đạo VCCI làm đồng Chủ tịch ASEAN BAC 2021 đã thay mặt Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN báo cáo tóm tắt một số đề xuất, kiến nghị của Hội đồng tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 53. Một số kiến nghị quan trọng của Hội đồng gồm: Kêu gọi lãnh đạo các nước ASEAN tiếp tục ủng hộ và cam kết triển khai các nội dung theo Chương trình nền kinh tế xanh và bền vững (GSE); Đề nghị AEM thúc đẩy việc thể chế hóa các nền tảng tham vấn công tư do ASEAN BAC khởi xướng; Đề nghị AEM thông qua sáng kiến Dự án Di sản kết nối thương mại Kỹ thuật số và trình Ban Thư ký ASEAN cùng các cơ quan liên ngành liên quan; đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định RCEP trong năm 2022 và hỗ trợ chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về RCEP; Đề nghị AEM hỗ trợ nền tảng chia sẻ thành tựu đổi mới thúc đẩy du lịch và xây dựng chiến lược thành công đối phó với tác động của đại dịch…

- Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (Auscham) kí kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Australia. Hội đồng là kênh thông tin chính thức để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến với

Chính phủ hai nước nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Để tận dụng cơ hội cũng như giải quyết các hạn chế trong thương mại và đầu tư dựa trên những lợi ích chung của hai bên, Hội đồng sẽ ủng hộ việc tăng cường hợp tác kinh tế, cải thiện môi trường thương mại và đầu tư của cả hai nước và thúc đẩy lợi ích của các thành viên thuộc Hội đồng.

- Phối hợp với Cục Thương mại Quốc tế, Bộ Kinh tế Đài Loan và Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tổ chức Triển lãm trực tuyến Taiwan Expo 2021.Với bốn chủ đề chính gồm Di động điện tử, Kỷ nguyên hậu đại dịch, Công nghiệp 4.0, và Sản phẩm phong cách sống Du lịch & Văn hóa Đài Loan, Taiwan Expo 2021 là cầu nối cho các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam, được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ năm 2020. Bên cạnh việc trưng bày các sản phẩm và dịch vụ, trong suốt thời gian diễn ra triển lãm còn có nhiều hoạt động bên lề hỗ trợ hoạt động giao thương và tìm hiểu sản phẩm bao gồm: Giao thương Trực tuyến 1 đối 1, Hội thảo và Giao thương Trực tuyến Giải pháp Chuỗi cung ưng lạnh - Công nghệ mới Đài Loan – Việt Nam; Chương trình Giới thiệu các sản phẩm đạt giải thưởng Taiwan Excellence – ICT cho Cuộc sống Thông minh; Hội thảo Đài Loan và Việt Nam hợp tác mang đến cuộc sống khỏe mạnh hơn.

- Thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp Thích ứng với Biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL (MRBN – Mekong Delta Resilient Business Network). Đây là mạng lưới đầu tiên tập hợp các doanh nghiệp tham gia để bàn về các giải pháp nâng cao năng lực kinh doanh và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việc thành lập và vận hành mạng lưới do VCCI phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) triển khai. Trong giai đoạn 1 (từ nay đến quý 1/2022), các hoạt động chính của MRBN gồm: Xây dựng Bộ máy tổ chức MRBN; nghiên cứu tác động hạn mặn đến hoạt động của doanh nghiệp ĐBSCL, xây dựng báo cáo nghiên cứu và đề xuất chính sách hữu hiệu; gia tăng cơ hội kinh doanh thông qua tổ chức hội chợ triển lãm và Hội thảo nhằm xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm, giải pháp thích ứng hạn mặn, tăng cường tính liên kết giữa các nhà cung cấp sản phẩm, thu thập thêm các thông tin về thực trạng phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL hiện nay.

- Phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ (MECA) 2021. Diễn đàn được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, cung cấp cho doanh nghiệp tham gia các thông tin cập nhật về thị trường và kết nối kinh doanh với khối Pháp ngữ hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, hàng hóa và dịch vụ kĩ thuật số, logistics và tài chính...

- Phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam ký kết Chương trình hành động 2021 xây dựng Nền tảng kinh doanh bền vững Việt Nam - Hà Lan tại khu vực ĐBSCL. Nội dung Chương trình hành động tập trung vào các lĩnh vực: quản lý nước bền vững, côn

định các cơ hội kinh doanh ở ĐBSCL và nhu cầu của Việt Nam và Hà Lan; kết nối mạng lưới khu vực kinh tế tư nhân và các viện tri thức; phát triển quan hệ đối tác công tư, tìm cách kết nối các khả năng tài trợ cũng như kết nối giữa các tổ chức và nhà đầu tư; kết nối chặt chẽ với Chương trình chuyển đổi nông nghiệp tại ĐBSCL.

- Tổ chức một số hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, hội nhập kinh tế quốc tế: Giao lưu thương mại trực tuyến Việt Nam – Hàn Quốc lĩnh vực Điện và Năng lượng tái tạo; Hội thảo khoa học “Tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến các doanh nghiệp ở Việt Nam”, Tọa đàm trực tuyến về Chính sách Giảm nhẹ Biến đổi Khí hậu; Đào tạo kỹ năng đàm phán và giải quyết tranh chấp từ hợp đồng; Hội thảo trực tuyến ươm mầm startups “Hành trình từ sinh viên đến doanh nhân”…

- Tiếp tục triển khai Dự án Rà soát văn bản pháp luật thực thi CPTPP; Triển khai biên soạn Sách tóm lược RCEP; Sổ tay doanh nghiệp “Những điều cần biết về các FTA của Việt Nam”; Cẩm nang doanh nghiệp “Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên”; Triển khai Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại tại các thị trường trọng điểm; Triển khai Chương trình thực thi Quyết định 06/Ttg về tham vấn doanh nghiệp trong thương mại quốc tế; Triển khai Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ hội từ CPTPP, EVFTA và các FTAs thế hệ mới; Triển khai Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam – Đức thông qua tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA” với hỗ trợ của Quỹ FNF tại Việt Nam… 

III. Kiến nghị

1. Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chuyển các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quý III và các kiến nghị do VCCI tập hợp báo cáo tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp ngày 26/09/2021, có ý kiến chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương sớm giải quyết các kiến nghị để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Sau khi trả lời, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi cho Văn phòng Chính phủ đồng thời sao gửi cho VCCI để tiện theo dõi việc giải quyết kiến nghị kịp thời.

2. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết mới về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý III/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính

phủ.

Nơi nhận :

Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

 Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2021 (Tải về)