Đầu tư vốn vào các công ty cho vay ngang hàng: Coi chừng "mất cả chì lẫn chài"!

"Ngồi không hưởng lãi cao" hay nguy cơ "mất cả chì lẫn chài"?

Tìm hiểu thông tin, hiện nay có rất nhiều nhóm chào mời những người có sở thích đầu tư bỏ vốn ít lợi nhuận cao trong thời gian nhanh chóng tham gia vào một nhóm có tên TrutsG…được giới thiệu là trung gian giới thiệu kết nối giữa người có tiền cho vay và người đi vay. Cụ thể, thông qua một người giới thiệu có tên là Nhật Lệ, với vai trò nhà đầu tư chúng tôi được giới thiệu tham gia vào từng nhóm đầu tư của group này. Theo giới thiệu của chị Lệ thì đây là một sản phẩm được nhượng quyền từ một công ty bên Anh Quốc với mô hình là định chế cho vay ngang hàng (P2P lending).

Có 3 vai trò để tham gia TrustG… này đó là vai trò người đi cho vay, người đi vay và người giới thiệu. Trong đó, đa phần các nhà đầu tư thích tham gia với vai trò người đi cho vay và người giới thiệu vì quyền lợi được cam kết khá cao. Đặc biệt, khi tham gia bỏ vốn với vai trò người đi cho vay, người đầu tư chỉ cần bỏ ra số tiền tối thiếu là 100 USD và nạp vào tài khoản của hệ thống TrustG…bằng cách mua đồng tiền điện tử của group này tạo ra có tên TGT theo tỉ giá tại thời điểm do chính hệ thống này quy đổi. Mức lãi suất cam kết mỗi tháng rất cao từ 12-15%. Phía TrustG… sẽ thu phí quản lý 1,5% trên giá trị mỗi hợp đồng vay được thực hiện.

Theo lời của người giới thiệu nói trên thì thực chất mọi việc chỉ đơn giản là bỏ tiền vào hệ thống này và ngồi không nhận lãi cao. Còn việc cho vay như thế nào thì những người tham gia đầu tư hầu như không thể biết. Còn nếu giới thiệu được nhiều người tham gia đầu tư thì sẽ được chi hoa hồng tùy theo cấp độ. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào trang web của TrustG… thì đây chỉ là một trang website sơ sài theo kiểu sao chép lại một trang website của một công ty nước ngoài, không có địa chỉ liên hệ công ty đại diện tại Việt Nam. Ứng dụng không có sẵn trên kho ứng dụng. Tất cả chỉ biết làm việc thông qua người giới thiệu và các nhóm chat trên zalo.

Loại hình kêu gọi đầu tư trên không phải mới trong thời gian gần đây. Và đã có những kiểu kêu gọi đầu tư như vậy khiến nhiều người ngậm ngùi mất tiền. Đơn cử trường hợp chị Nguyễn Thị M. ngụ tại quận 2, TP.Thủ Đức cho biết, sau thời gian tham gia các nhóm đầu tư forex chị được giới thiệu đầu tư vào một group có tên Global Trust, được quảng cáo là dịch vụ đáo hạn thẻ ghi nợ để tránh nợ xấu. Chị M. cho biết, được giới thiệu tổ chức này liên kết với các ngân hàng để lấy những khoản quẹt POS sắp đến/quá hạn, giúp ngân hàng trả khoản đó trước và nhận hoa hồng. Nhưng khoản nợ này quá nhiều nên họ chọn cách huy động vốn của mọi người và ở giữa ăn chênh lệch.

“Họ mời gọi tôi bằng việc gửi tiền và nhận tiền hoa hồng mỗi ngày với lãi suất cao. Tôi thấy trong nhóm qua các cuộc trò chuyện thì người nạp và rút tiền liên tục và dễ dàng nên cũng đã tham gia với số tiền đóng gần 10.000 USD. Thời gian đầu mọi việc rất suôn sẻ. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh và giãn cách, mọi việc đều chậm và lãi suất không còn như ban đầu. Rồi mới đây, bất ngờ đường link truy cập vào hệ thống không còn hoạt động. Chúng tôi không thể rút tiền lời và vốn về. Rồi họ đưa ra thông tin là sập hệ thống và đưa ra một đường link để truy cập. Tuy nhiên, để xác minh thông tin và muốn rút tiền, chúng tôi phải nạp thêm 30% số tiền đang có trong tài khoản thì mới được tiến hành lệnh rút. Tôi đã nạp và cho đến nay cũng chưa rút được. Liên hệ các nhóm zalo thì những người được gọi là nhóm trưởng đã rút, thậm chí khóa số", chị M. cho biết.

Cần sớm có chế tài xử lý

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã báo cáo xin ý kiến về một số trường hợp công ty có đăng ký kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, liên hệ tới để đăng ký khoản vay nước ngoài. Hoạt động cầm đồ tại các công ty này có số tiền cho vay nhỏ, số lượng khoản vay lớn, chi phí vay cao, được thực hiện qua app, website, có sự hợp tác với công ty tư vấn, môi giới tài chính... để tìm kiếm khách vay trong nước. Các hợp đồng vay cầm cố, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản được thực hiện qua phương tiện điện tử...

Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Duy Phương nhận định đang có nhiều công ty P2P lending hoạt động mà không đăng ký kinh doanh, núp bóng tiệm cầm đồ, tín dụng đen... Nhiều công ty chỉ cho vay qua app, công ty có nguồn gốc từ nước ngoài nên rất khó kiểm soát dòng tiền, nhà nước thất thu thuế. Đặc biệt, với kiểu sử dụng loại tiền điện tử như các mô hình ở trên thì rủi ro về thuế và quản lý ngoại hối còn xảy ra đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng. Nếu người tham gia không cho vay bằng VNĐ mà bằng tài sản ảo, tiền kỹ thuật số thì việc quản lý, giám sát, thu thuế thu nhập, quản lý ngoại hối... trở nên khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cần sớm có khuôn khổ, hành lang pháp lý để quản, chế tài những mô hình cho vay trực tuyến này để tránh hệ lụy cho xã hội.