Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 1/2021

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0555/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 1/2021

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2021

Kính gửi: CHÍNH PHỦ 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý 1/2021, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong quý 1/2021

Trong quý 1/2021, VCCI có 30  kiến nghị mới của các doanh nghiệp và  hiệp hội doanh nghiệp (giảm 12 kiến nghị so với quý 4/2020). Trong đó đã giải quyết 04 kiến nghị, đạt tỷ lệ 13,3%, số kiến nghị chưa giải quyết là 26, đạt tỷ lệ 86,7%. (có phụ lục kèm theo) 

Tháng

Số kiến nghị đã tiếp nhận

Số kiến nghị đã giải quyết

Số kiến nghị chưa giải quyết

Ghi chú

01/2021

14

4

10

 

02/2021

4

0

4

 

03/2021

12

0

12

 

Tổng số

30

4

26

Xem chi tiết tại phụ lục 1 kèm báo cáo

 Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý 1/2021 bao gồm: Bộ Tài chính: 10 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 03  kiến nghị; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: 03 kiến nghị; Bộ Xây dựng: 03 kiến nghị. Còn lại các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Kiên Giang mỗi nơi nhận được từ 01 đến 02 kiến nghị. Nguyên nhân trong quý 1/2021 các kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp giảm so với quý 4/2020 do nghỉ Tết nguyên đán nên các doanh nghiệp tập trung lo chế độ, chính sách cho người lao động và các Bộ, ngành địa phương đã quyết liệt giải quyết các kiến nghị còn tồn động trong năm 2020.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp quý 1/2021 chủ yếu đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính của kiến nghị bao gồm như sau:

-  Công ty cổ phần xây dựng và quản lý sửa chữa cầu đường Gia Lai đề nghị hướng dẫn nộp tiền thuê khu đất Văn phòng làm việc theo Nghị định số 135/2016/NĐ-CP và hợp đồng thuê đất đã ký kết

- Công ty TNHH Shenialiare kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thu hồi các Công văn số 8909/BKHĐT-PC và Công văn số 324/BKHĐT-PC quy định tạm thời về hồ sơ, thủ tục đăng ký đầu tư.

- Công ty TNHH hữu hạn Thành Luân kiến nghị tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình sân bãi tập lái xe ô tô và sát hạch lái xe. Vì căn cứ theo Mục 75 và Mục 77, Phụ lục IV của Luật Đầu tư về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không nêu cụ thể về định nghĩa và xác định mục đích sử dụng đất trong quá trình xem xét chấp thuận dự án đầu tư.

- Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị về việc giá tính thuế tài nguyên xuất khẩu là giá FOB và không bao gồm chi phí vận chuyển xuất khẩu, thuế xuất khẩu, chi phí chế biến và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.

- Công ty TNHH HOYA Glass Disk Việt Nam II kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về thủ tục xin cấp phép vận chuyển hóa chất nhóm 5, nhóm 8, Phụ lục 1, Nghị định số 42/2020/NĐ-CP. Trước khi Nghị định số 42/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Công ty TNHH HOYA Glass Disk Việt Nam II và đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải vẫn tuân thủ xin và được cấp phép từ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội nhưng khi Nghị định số 42/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đơn vị vận chuyển lại gặp khó khăn trong việc xin giấy phép vận chuyển cho hóa chất thuộc nhóm 5, nhóm 8 do vướng mắc về kiểm định vật liệu đóng gói, thùng chứa được quy định trong Nghị định số 42/2020/NĐ-CP. Công ty đề nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về quy định tiêu chuẩn đối với bao bì, thùng chứa cho loại hóa chất nhập khẩu của nhóm 5, nhóm 8 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, trong quý này có kiến nghị của Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị và Hiệp hội Đá tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn về những thiệt hại do ảnh hưởng của công văn số 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2020 của Tổng cục hải quan về việc phân loại mặt hàng đá. Công ty đã có kiến nghị từ tháng 10 năm 2020 nhưng vẫn chưa được trả lời, giải quyết dứt điểm. (xem chi tiết phụ lục 1)

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

- Trong quý 1/2021, VCCI nhận được 04 văn bản trả lời giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương. (xem phụ lục 2). Các văn bản giải quyết kiến nghị này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI.

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/01/2021 đến hết 30/03/2021, còn 26 kiến nghị, của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời, trong đó có 06 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương và 20 kiến do VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ. Các kiến nghị được trả lời chủ yếu là các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương, còn các kiến nghị chưa được trả lời giải quyết chủ yếu do VCCI tập hợp và gửi đến Văn phòng Chính phủ.  Các bộ, ngành, địa phương có  kiến nghị chưa trả lời trong quý 1/2021 gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn : 02 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội,  UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mỗi nơi có được 01 kiến nghị.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo.

- Nhìn chung các Bộ, ngành đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ chuyển tới khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng. Tuy nhiên, còn một số bộ ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị doanh nghiệp chưa kịp thời và đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ.  

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 1/2021, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. - Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

VCCI đã tham gia ý kiến đối với một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước; Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2020/NĐ-CP của Chính phủ để hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA; Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ; Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm của các tổ chức được ủy quyền cấp C/O; Thông tư về thu lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Tham gia ý kiến đối với một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Nghị định sửa đổi Nghị định 08 về thủ tục hải quan; Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn thuế GTGT; Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế GTGT đối với thiết bị, dụng cụ y tế; Thông tư bãi bỏ Thông tư số 21/2008/TT-BTC hướng dẫn phương thức thu phí và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc qua và Thông tư 295/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục….(Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- VCCI phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT). Hội thảo thu hút được đông đảo sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, do dự thảo lần này có nhiều sửa đổi quan trọng, có khả năng ảnh hưởng đến các sàn TMĐT; các thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT; các mạng xã hội; các doanh nghiệp logistics, trung gian thanh toán và các tổ chức, doanh nghiệp khác có liên quan đến thương mại điện tử. Tập hợp các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã có văn bản gửi cơ quan soạn thảo đề xuất một số ý kiến cho dự thảo như các nội dung liên quan đến phân loại quản lý hoạt động thương mại điện tử, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, phân loại quản lý thương mại điện tử với mạng xã hội, cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử…

- Tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2020”. Trên cơ sở ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Báo cáo đã điểm lại một số quy định pháp luật đáng chú ý trong năm 2020. Các quy định được lựa chọn để phân tích, bình luận trong báo cáo này dựa trên một số tiêu chí như có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, có điểm đặc biệt về phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề, hoặc mang tính điển hình về quy trình xây dựng, ban hành. Ngoài ra, Báo cáo cũng đã chọn ra các vấn đề về pháp luật để phân tích, đánh giá. Đây là những vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh. Vấn đề của báo cáo năm nay lựa chọn là “Những vấn đề còn vướng mắc trong các quy định về điều kiện gia nhập thị trường” và “Khung khổ pháp lý cho kinh tế số”. Đồng thời, Báo cáo cũng đánh giá phản hồi và mức độ tiếp thu của cơ quan soạn thảo đối với các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành có sự tham gia góp ý của VCCI. Đến tháng 6/2020, VCCI đã góp ý cho 73 VBQPPL đã được ban hành, trong đó có 07 luật, 44 nghị định và 22 thông tư với 386 ý kiến đóng góp (tương ứng mỗi văn bản có hơn 05 đề xuất, kiến nghị). Tỷ lệ tiếp thu Ý kiến góp Ý của VCCI năm 2020 của các Bộ, ngành là 54,92% (212/386 Ý kiến). Tỷ lệ tiếp thu tăng dần đều trong ba năm trở lại đây và đặc biệt, năm nay tỷ lệ này cao hơn hẳn so với hai năm trước (44,08% của năm 2019 và 42,51% của năm 2018). Tỷ lệ tiếp thu cao hơn là tỷ lệ không tiếp thu cho thấy, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe nhiều hơn, thể hiện tinh thần cầu thị của các nhà hoạch định chính sách.

- Tổ chức cuộc họp tham vấn Kế hoạch hành động năm 2021 của Dự án “Thúc đẩy Quyền trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam” (CRBP). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác 3 năm từ 2019 đến hết 2021 giữa UNICEF Việt Nam và VCCI về thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam. Mục đích của Dự án nhằm tăng cường hiểu biết, năng lực và cam kết của các doanh nghiệp chủ chốt có ảnh hưởng đến trẻ em cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tôn trọng và hỗ trợ Quyền trẻ em. Dự án tập trung vào ba ngành chính là Dệt may và Da giầy, ICT và Du lịch Lữ hành.

- Phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, với nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), tổ chức cuộc “Đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19”. Các chính sách hỗ trợ đã ban hành để đáp ứng với "tình trạng khẩn cấp" vẫn còn một số bất cập và cần phải tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với trạng thái bình thường mới. Hội nghị đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đại dịch như: (i) Đối với lĩnh vực lao động, đề nghị sớm tham mưu, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 để triển khai đến doanh nghiệp; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn 2% kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh; (ii) Trong lĩnh vực ngân hàng và tín dụng, hiệp hội đề nghị tiếp tục xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2% cho tất cả các gói cho vay, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh; tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam tham gia CPTPP và FTA mới. (iii) Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát nhu cầu nhập cảnh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, đồng thời, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm Covid-19 cho người lao động.

- Tổ chức cuộc họp trao đổi với các Hiệp hội doanh nghiệp lấy ý kiến doanh nghiệp liên quan đến dự thảo Báo cáo Chính phủ về tiền lương tối thiểu năm 2021 và thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu sang ngày 1/7 của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội. Việc điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình tăng lương hàng năm là cần thiết. Tuy nhiên, trong năm 2020 có nhiều yếu tố thực tiễn đời sống, sản xuất kinh doanh đã thay đổi và bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19. Do đó, khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất kiến nghị việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021, dù là đề xuất tốt cho người lao động nhưng không khả thi trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch. Về thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu của Bộ LĐTBXH, đa số ý kiến cho rằng doanh nghiệp đều thực hiện xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính từ cuối năm trước và bắt đầu triển khai thực hiện từ đầu năm, vì vậy đề xuất thời điểm 1/7 là chưa hợp lý. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tham gia cuộc họp đều thống nhất với việc không điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2021, tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính (ngày 1/1) như thời gian vừa qua để phù hợp với kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế những bất đồng, ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

- Tổ chức một số hội thảo chuyên đề: Hội nghị “Hiệp định RCEP & UKVFTA – Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam và khu vực với thị trường thế giới” tại TP.HCM; phối hợp với Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) và Tổng Công ty Bảo hiểm thương mại Hàn Quốc tổ chức hội thảo “Xúc tiến thương mại Việt Nam – Hàn Quốc” tại Hà Nội…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- VCCI tổ chức cuộc họp lần thứ 50 Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC) dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của các đại diện từ 13 quốc gia Đông Á bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc 10 quốc gia thành viên ASEAN và ba đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch EABC 2020 cho biết, mặc dù 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường và gây trở ngại cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, EABC vẫn thực hiện tốt công việc và đạt được nhiều thành tựu. EABC đã có cuộc đối thoại với lãnh đạo ASEAN + 3 (APT) và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 (AEM + 3). Sau khi tổng kết các hoạt động của Hội đồng trong năm 2020, Chủ tịch EABC 2020 Vũ Tiến Lộc đã chuyển giao vai trò Chủ tịch EABC cho ông Hakhee Jo của Hàn Quốc. Các thành viên đã thống nhất lựa chọn chủ đề “Hội nhập và Kết nối số Đông Á vì Tương lai bền vững và kiên cường” cho năm 2021. Theo đó, các ưu tiên hoạt động của Hội đồng trong năm 2021 sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực, bao gồm thúc đẩy quá trình phục hồi sau COVID-19 phát triển thương mại toàn diện, kết nối kỹ thuật số để tăng trưởng kinh tế bền vững cho Đông Á; đẩy mạnh Hiệp định RCEP như một công cụ phục hồi kinh tế của Đông Á chống lại dịch bệnh. 

- Phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức Lễ công bố báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020”. Báo cáo nghiên cứu chỉ ra có tới 87,2% doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Những ảnh hưởng chủ yếu là doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị lao động. Số lao động bị cho nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động trong doanh nghiệp và ảnh hưởng nhiều hơn đến các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Trong bối cảnh dịch, 92% doanh nghiệp tư nhân, 96% doanh nghiệp FDI đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19 bằng nhiều giải pháp như: dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới, áp dụng tự động hóa. Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp cụ thể

- Tổ chức Festival Khởi nghiệp 2021 với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nhân, các trường đại học – cao đẳng, các tổ chức thúc đẩy - hỗ trợ khởi nghiệp và hơn 300 thanh niên, sinh viên. Đây là sự kiện lớn nhất của các hoạt động về hỗ trợ Khởi nghiệp – đồng thời đánh dấu chặng đường 18 năm của Chương trình nhằm tôn vinh và phát huy phong trào lập nghiệp bằng con đường kinh doanh trong thanh niên - sinh viên do VCCI khởi xướng. Tại Festival Khởi nghiệp 2021 đã diễn ra nhiều hoạt động như: Phát động Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2021; Trao giải Dự án Khởi nghiệp xuất sắc 2020; Danh hiệu Đơn vị tiên phong trong hành trình xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020 (địa phương và trường đại học); Danh hiệu Cố vấn của Năm - Mentor of Year 2020... Ngoài ra, sự kiện cũng có một số hoạt động bên lề như trưng bày các sản phẩm thực tế của các dự án khởi nghiệp; gặp gỡ và giao lưu với các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp. Điểm nhấn tại Festival Khởi nghiệp năm nay là Ban tổ chức giới thiệu và đóng vai trò kết nối đầu tư giữa các doanh nhân, nhà đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động cố vấn, đào tạo. Đây cũng là cơ hội lớn cho các tác giả dự án tìm kiếm những doanh nhân, các nhà đầu tư, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp để làm cố vấn và đỡ đầu cho các dự án, giúp các bạn trẻ hiện thực hóa ý tưởng của mình hiệu quả.

- Phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá quan hệ thương mại Việt Nam – Canada sau 2 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Hướng tới tương lai bền vững hậu COVID-19”. Tham dự và chủ trì sự kiện có Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul cùng đại diện nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hai nước. Hội thảo nhằm mục đích tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư song phương và khuyến khích các doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa các liên kết thương mại và củng cố các chuỗi cung ứng để giúp phục hồi nền kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19. Sau 2 năm triển khai Hiệp định CPTPP tại Việt Nam, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Canada - Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD trong năm 2020, tăng 12% so với năm 2019 và tăng 37% so với thời điểm trước khi có hiệp định. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng gần 16% năm 2020 với sự gia tăng đáng kể đối với mặt hàng điện thoại di động, giày dép, đồ nội thất và may mặc. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada là một trong những hình mẫu thành công nhất mà hiệp định thương mại tự do này mang lại.

Phối hợp với Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức Hội thảo “Bứt phá để dẫn đầu trong thời bình thường mới” nhằm thảo luận tầm quan trọng của việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng và gia tăng vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo đối với chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại Hội thảo, lãnh đạo các doanh nghiệp, giám đốc nhân sự, quản lý cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã thảo luận các giải pháp cho phát triển bền vững từ góc nhìn bình đẳng giới tại nơi làm việc. Sáng kiến hợp tác giữa VBCSD và VBCWE thể hiện tầm nhìn chiến lược của hai tổ chức đối với việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nâng cao khả năng  phục hồi, năng lực cạnh tranh để hội nhập tốt hơn thông qua đẩy mạnh bình đẳng giới. Trong khuôn khổ Hội thảo, hai tổ chức đã tiến hành ký Thỏa thuận hợp tác, khẳng định cam kết đồng hành và phát triển mối quan hệ đối tác giữa VBCSD và VBCWE vì mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng về kinh tế cho phụ nữ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

- Tổ chức họp khởi động nhóm chuyên gia sửa đổi Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) thực hiện. CSI 2021 được kì vọng sẽ mang nhiều “màu sắc” mới, tiệm cận gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp ở mọi quy mô. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo VCCI, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Năng suất Việt Nam, Deloitte Việt Nam, các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực môi trường.  Nhận định về Bộ chỉ số CSI 2021, các chuyên gia đều đồng thuận về định hướng cập nhật CSI 2021 theo hướng tích hợp các chỉ số quản trị, kinh tế, xã hội, môi trường phù hợp với yêu cầu của Bộ Luật Môi trường, Luật Lao động mới, đồng thời phân nhóm các chỉ số theo từng quy mô doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Bên cạnh đó, CSI 2021 sẽ đảm bảo tính đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, để tất cả doanh nghiệp đều có thể sử dụng CSI như một công cụ quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời, trong năm nay VCCI sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động truyền thông, đào tạo, phổ biến CSI đến các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước.

III. Kiến nghị

  1. Đề nghị Văn phòng Chính phủ ngoài việc tiếp nhận các kiến nghị từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, xem xét chuyển các kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp do VCCI tập hợp và có ý kiến với các bộ, ngành, địa phương tiếp thu và nghiên cứu sớm giải quyết các kiến nghị trong quý 1/2021 để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
  2. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn tiếp theo.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý 1/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

Nơi nhận :

Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 1/2021 (Tải về)