Những điều cần biết khi tặng cho, trao đổi nhà ở

Tặng cho, trao đổi nhà ở thuộc sở hữu chung

Đối với nhà ở thuộc sở hữu chung, căn cứ Điều 137 và Điều 139 Luật nhà ở 2014 thì các chủ sở hữu nhà ở phải thể hiện sự đồng ý bằng văn bản đối với việc tặng cho, trao đổi nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Tặng cho, trao đổi, nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu chỉ được tặng cho trao đổi phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình và không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung khác.

 
 Tặng, cho nhà ở là nhu cầu chính đáng của chủ sở hữu. Ảnh minh họa: LĐO

Tặng cho, trao đổi nhà ở đối với nhà ở cho thuê

Đối với nhà ở cho thuê, căn cứ Điều 138 và Điều 140 Luật nhà ở 2014, chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo cho bên thuê biết trước về việc tặng cho, trao đổi nhà bằng văn bản. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở với bên tặng cho, bên đổi nhà, trừ khi có thỏa thuận khác.

 
Theo quy định của Luật nhà ở 2014, thì nhà hình thành trong tương lai không đủ điều kiện để thực hiện cho, tặng, trao đổi nhà ở. Ảnh: Đức Mạnh  

Có được tặng cho, trao đổi nhà ở hình thành trong tương lai không?

Luật nhà ở 2014 quy định đối với giao dịch tặng cho, trao đổi nhà ở thì nhà ở đó phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 118 Luật này. Một trong các điều kiện là nhà ở phải có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật nhưng nhà ở hình thành trong tương lai không thể thỏa mãn điều kiện này. Vậy, pháp luật Việt Nam không cho phép tặng cho, trao đổi nhà ở hình thành trong tương lai.

Hợp đồng tặng cho, trao đổi nhà ở phải được công chứng, chứng thực

Hợp đồng tặng cho, trao đổi nhà ở phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 và Điều 122 Luật nhà ở 2014. Sau khi đã thực hiện công chứng, chứng thực thì các bên trong hợp đồng mới tiến hành sang tên Giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký đất đai.