VCCI hợp tác Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với đó là một nền tảng trực tuyến hoạt động 24/7 để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến dịch bệnh COVID-19. 

Hội nghị trực tuyến gặp gỡ với các hiệp hội, doanh nghiệp nhà đầu tư của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Ảnh: Bảo Loan

 

Đây là chia sẻ của ông Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị trực tuyến do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức gặp gỡ với các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay.

Lắng nghe và cầu thị

Theo Chủ tịch VCCI, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương đầu tiên đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đây là tín hiệu tích cực thể hiện thiện chí và sự lắng nghe của địa phương để duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, với diễn biến phức tạp của đại dịch, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu luôn ưu tiên kiểm soát được dịch bệnh và từng bước khôi phục kinh tế theo nguyên tắc thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính yếu: Phòng, chống dịch – Phát triển kinh tế - An dân. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo diện hẹp đối với khu vực có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, từ nay đến 31/12, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đại diện Công ty TNHH Yoshino Gypsum Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản, tỉ lệ tiêm chủng mũi 1 cho người lao động trung bình tại các khu công nghiệp hiện chỉ mới đạt 36%, mũi 2 đạt khoảng 3%. Từ đó, các doanh nghiệp đề nghị tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người lao động càng sớm càng tốt để duy trì hoạt động sản xuất.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn tới các doanh nghiệp. Khảo sát của Amcham cho thấy 15% doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, 50% doanh nghiệp đã giảm 50% lao động. Các con số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc ngừng hoạt động một phần vẫn tiếp tục tăng kể từ khi khảo sát được thực hiện đầu tháng 7 tới nay.

“Với các biện pháp tiếp tục thực hiện để mở cửa nền kinh tế như mô hình “3 tại chỗ” đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, nhưng đây không phải mô hình tối ưu trong giai đoạn COVID-19”, Giám đốc Amcham nhận định. Do đó, cần hài hoà các chính sách về mở cửa nền kinh tế và đảm bảo tình hình chống dịch, đảm bảo sức khoẻ người dân.

Giải pháp kịp thời

Trước các kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương sớm có vaccine COVID-19 tiêm kịp thời cho người lao động. Riêng việc thực hiện tần suất xét nghiệm COVID-19 được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Tỉnh mong muốn tiếp nhận được sự đồng hành, quyết liệt thực hiện triệt để hơn của các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu trong phòng chống dịch. Trong đó, tỉnh nỗ lực: “kiểm soát vùng xanh, xanh hóa vùng vàng, vàng hóa vùng cam, cam hóa vùng đỏ, tiến tới xanh toàn diện” để xóa bỏ phương án 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, mọi hoạt động trở lại bình thường mới.

Với các ý kiến về các thủ tục hành chính chồng chéo cũng được Chủ tịch UBND chỉ đạo thống nhất ở một đầu mối. Vướng mắc về Visa, giấy phép lao động Chủ tịch UBND tỉnh cho biết nhóm ý kiến này sẽ được sự tổng hợp, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền, xem xét trong thời gian sớm nhất để giải quyết đi lại của các chuyên gia được thuận lợi hơn.

“Đại dịch đã tác động nặng nề tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ngày 9/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP/2021 với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, Chủ tịch VCCI khuyến nghị các doanh nghiệp thuộc Amcham và các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ nội dung nghị quyết này. Đặc biệt, ông Phạm Tấn Công cho biết, trong Nghị quyết 105, Chính phủ cũng giao VCCI nhiệm vụ nắm bắt tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp chuyển tới Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Ông Andrew Lien, Công ty TNHH Ashton furiture consolidation:

Việc cấp giấy phép đi lại có thể dễ dàng hơn không khi mà hiện nay việc chúng tôi di chuyển từ Bình Dương tới Bà Rịa - Vũng Tàu có rất nhiều chốt chặn và nhiều quy định nghiêm ngặt gây khó khăn. Doanh nghiệp đang có kế hoạch xây dựng kho ngoại quan và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Vũng Tàu, cũng như đang triển khai công trình tại KCN Phú Mỹ 3. Doanh nghiệp kỳ vọng sớm triển khai các dự án khác và lạc quan với những cơ hội ở phía trước.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT):

Việc áp dụng “3 tại chỗ” về lâu dài là không phù hợp. Chúng tôi dề xuất áp dụng đồng thời “3 tại chỗ và “2 không tại chỗ”, kết hợp vùng xanh - vùng vàng - vùng cam để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông suốt. Đồng thời, doanh nghiệp đề xuất tỉnh cũng cần làm việc với các bên liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan… đưa ra những thay đổi về quy định hải quan, để cảng có thể hoạt động thông suốt như một cảng quốc tế.

Theo Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/vcci-hop-tac-ba-ria-vung-tau-ho-tro-doanh-nghiep-206219.html