Áp lực trả nợ vay vẫn đè nặng doanh nghiệp

Cạn dòng tiền để trả nợ vay

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc một công ty may mặc ở quận Tân Bình cho biết với thông tư 14 mới ban hành các doanh nghiệp có nửa năm để xoay xở, ứng phó với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, áp trả nợ vay vẫn còn rất lớn. Đơn cử như doanh nghiệp ông có một hợp đồng tín dụng sắp đáo hạn, nhưng diễn biến khó lường của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, khả năng doanh nghiệp sẽ không có đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng. Phía ngân hàng cũng đã có sự hỗ trợ điều chỉnh lãi suất khoản vay của công ty ông xuống còn 7%/năm.

Tuy nhiên, với tình hình giãn cách kéo dài, dòng tiền bị đứt đoạn hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp khó trả nợ đúng hạn. Và như vậy ngân hàng sẽ điều chỉnh nhóm nợ từ 1 lên 2 - 3, khiến mức độ tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp giảm, sau này phải vay với lãi suất cao. Sau khi có biết Thông tư 14 có hiệu lực, phía công ty đã liên hệ với ngân hàng để xin lùi thời gian trả nợ gốc và lãi vay để bớt áp lực tài chính nhưng vẫn đang "ngóng" phía ngân hàng có thông báo cụ thể, anh Hải cho biết.

Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng đồng quan điểm cơ quan nhà nước ban hành thông tư 14 phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn chưa được giải quyết được các khoản nợ phát sinh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc triển khai Thông tư chỉ kéo dài thêm 6 tháng là không hợp lý. Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Công ty xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ Kiến Ninh ở quận Bình Tân cho rằng trong bối cảnh việc ở TP.HCM chưa có thể xác định rõ ràng thời điểm hết giãn cách và khôi phục sản xuất thì khoảng thời gian này dường như quá ngắn với các doanh nghiệp. Nếu cuối tháng 9 này được hoạt động sản xuất lại như thông tin lãnh đạo thành phố cho biết thì để phục hồi doanh nghiệp cũng mất từ 3 đến 6 tháng là nhanh nhất vì cả một năm qua bị đứt quãng hoạt động kinh doanh và cung ứng. Với doanh nghiệp như chúng tôi dòng tiền đã cạn cách đây 1 tháng. Do đó, giãn nợ chỉ giảm áp lực phải trả nợ trước mắt, nhưng lại lo đến kỳ trả, nếu tình hình chưa trở lại như cũ thì lấy đâu nguồn thu nhập để trả nợ khi số nợ phải trả hằng tháng tăng lên.

Cần nhiều giải pháp hơn là cơ cấu nợ

Nhiều ngân hàng cũng cho biết đang tiến hành triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng. Phó Tổng Giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cho biết ngay sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, Sacombank đã triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đủ điều kiện. Riêng việc giảm lãi suất cho vay theo thông tư mới, ngân hàng cũng xem xét từng trường hợp với mức độ ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh ở mỗi lĩnh vực cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhất. Quan điểm về giảm lãi suất của nhiều lãnh đạo ngân hàng khi được hỏi cũng đồng ý kiến chỉ có thể hỗ trợ với khách hàng ở các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh bị thiệt hại nặng do dịch COVID-19 sẽ được giảm lãi vay. Với những lĩnh vực khác, yêu cầu ngân hàng giảm mạnh lãi vay lúc này là rất khó.

Chính vì vậy, theo chuyên gia tài chính TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Quỹ đầu tư DG Investment, nhìn vào tình hình thực tế dịch còn diễn biến phức tạp, nếu chỉ cho phép cơ cấu nợ tối đa 12 tháng và chỉ kéo dài đến ngày 30.6.2022 là chưa hợp lý. Không có căn cứ nào để khẳng định doanh nghiệp được cơ cấu sau 12 tháng sẽ có khả năng trả nợ. Vì vậy, nên chăng ngân hàng cần được cho phép cơ cấu theo dòng tiền. Thậm chí, nên có đề xuất về giải pháp khoanh nợ khoản vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19, kiến nghị cần phải kéo dài thời gian cơ cấu trả nợ đến năm 2023 cho khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để hỗ trợ căn cơ hơn cho khách hàng vay.