Lộ diện ngoại hành tinh gần Trái đất nhất từng được chụp ảnh

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters, hành tinh mới được gọi là COCONUTS-2b và nó quay quanh một ngôi sao lùn đỏ có khối lượng thấp thuộc hệ hành tinh COCONUTS-2.

Khoảng cách từ COCONUTS-2b đến ngôi sao của nó xa hơn 6.000 lần so với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, do đó nó còn là ngoại hành tinh lạnh thứ 2 từng được chụp ảnh.

Các nhà nghiên cứu đã có thể trực tiếp chụp ảnh ngoại hành tinh này là nhờ vào ánh sáng phát ra từ nhiệt dư được tạo ra kể từ khi hành tinh này hình thành. Tuy nhiên, vì năng lượng phát ra yếu hơn Mặt trời 1 triệu lần nên các nhà nghiên cứu chỉ có thể phát hiện ra nó bằng cách sử dụng ánh sáng hồng ngoại năng lượng thấp hơn.

Khoảng cách từ COCONUTS-2b đến ngôi sao của nó xa hơn 6.000 lần so với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Ảnh: Đại học Hawaii

Đồng tác giả nghiên cứu Michael Liu cho hay: "Việc phát hiện và nghiên cứu trực tiếp ánh sáng từ các hành tinh khí khổng lồ xung quanh các ngôi sao khác thường là rất khó, vì các ngoại hành tinh mà chúng tôi tìm thấy thường có quỹ đạo khoảng cách nhỏ và do đó chúng bị chôn vùi trong ánh sáng chói của ngôi sao chủ".

"Với khoảng cách quỹ đạo khổng lồ, COCONUTS-2b sẽ là một nơi tuyệt vời để nghiên cứu bầu khí quyển và thành phần của một hành tinh khí khổng lồ trẻ".

Ban đầu COCONUTS-2b được phát hiện vào năm 2011, nhưng vào thời điểm đó, nó được cho là một vật thể trôi nổi tự do, không quay quanh một ngôi sao. Cho đến này, các nhà khoa học mới phát hiện nó có liên kết với một ngôi sau chủ.