"Vàng của kẻ ngốc" không hề vô dụng

Nghiên cứu mới về "vàng của kẻ ngốc" công bố trên tạp chí Geology do Đại học Curtin của Australia hợp tác với Đại học Tây Australia và Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc thực hiện.

Nghiên cứu cung cấp một phân tích chuyên sâu về vị trí khoáng vật học của vàng trong pyrit, qua đó có thể chiết xuất vàng.

Tiến sĩ Denis Fougerouse, trường Khoa học Trái đất và Hành tinh của Đại học Curtin, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, loại vàng "vô hình" mới này trước đây chưa được công nhận và chỉ có thể quan sát qua công cụ khoa học gọi là thăm dò nguyên tử.

"Tỉ lệ phát hiện ra các mỏ vàng mới đang giảm trên toàn thế giới, với chất lượng quặng xuống cấp, song song với đó là giá trị của kim loại quý ngày càng tăng” - Tiến sĩ Fougerouse.

"Các máy khai thác vàng trước đây có thể tìm thấy vàng trong pyrit dưới dạng hạt nano hoặc hợp kim vàng pyrit, nhưng những gì chúng tôi phát hiện ra là vàng cũng có thể được lưu trữ trong các khuyết hỏng tinh thể ở kích thước nano, đại diện cho một loại vàng "vô hình" mới" - trưởng nhóm nghiên cứu thông tin.

Theo đó, tinh thể càng biến dạng thì càng có nhiều vàng ở trong các vị trí khuyết hỏng.

Tiến sĩ Fougerouse nói rằng, nhóm nghiên cứu cũng đã khám phá các phương pháp chiết xuất vàng và những cách khả thi để thu được vàng kẹt trong pyrit mà ít tác động đến môi trường hơn.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét một quy trình chiết xuất được gọi là rửa trôi có chọn lọc, dùng chất lỏng để làm tan vàng khỏi pyrit. Những vị trí sai hỏng trong pyrit không chỉ chứa vàng mà còn hoạt động như các đường dẫn chất lỏng giúp vàng được "rửa trôi" mà không ảnh hưởng đến toàn bộ pyrit.